Nhìn lại thực tế việc thi vào các trường THCS chất lượng cao hay thi vào lớp 10 công lập, so sánh với việc tuyển sinh đại học, sau đại học ở không ít trường, không ít ngành đào tạo thì thấy đại biểu đã phần nào nêu đúng, trúng vấn đề. Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của nhiều người về cơ hội học tập của học sinh phổ thông và chất lượng đào tạo đại học, sau đại học hiện nay.
Nhiều năm qua, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 luôn được cả xã hội quan tâm vì tính chất căng thẳng, sự cạnh tranh gay gắt. Không ít học sinh bị áp lực nặng nề, rối loạn tâm thần, thậm chí có em dại dột tìm đến cái chết chỉ vì thi trượt lớp 10 công lập. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên nghị trường ngày 20-6, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đã phải thốt lên: "Cứ mỗi năm đến hè, kỳ thi vào THPT rất kinh hoàng với hàng triệu phụ huynh, học sinh".
 |
Ảnh minh họa/Ảnh: nhandan.vn |
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thiếu trường, lớp dẫn đến chỉ một tỷ lệ nhất định học sinh tốt nghiệp THCS được vào trường THPT công lập; việc áp dụng tỷ lệ phân luồng 40% học sinh tốt nghiệp THCS phải đi học nghề càng khiến “cuộc đua” vào lớp 10 công lập thêm “nóng”. Trong khi đó, cấp THCS lại tồn tại các trường chất lượng cao với chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm rất thấp so với tổng số học sinh, khiến kỳ thi “khảo sát đầu vào” của những trường này rất căng thẳng do tỷ lệ “chọi” cao.
Trái với sự căng thẳng trong thi cử ở cấp phổ thông, trừ một số cơ sở giáo dục đại học có thương hiệu, uy tín, chất lượng đầu vào được bảo đảm thì vẫn còn không ít trường tuyển sinh khá dễ dãi. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn có thể ung dung bước vào giảng đường đại học. Thực trạng “thi đại học dễ hơn thi lớp 10” phần nào thể hiện qua tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đại học luôn ở mức cao. Ví dụ, năm 2023, chỉ tính trong đợt 1, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển là 93,2% (615.470 thí sinh trúng tuyển/660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển). Con số này ở năm 2024 là 91,8% (673.586 thí sinh trúng tuyển/733.652 thí sinh đăng ký xét tuyển). Việc tuyển sinh đào tạo thạc sĩ ở một số ngành hiện cũng khá dễ do số lượng thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu nên hầu như “cứ thi là đỗ”, dẫn tới tình trạng “phổ cập thạc sĩ”...
Để xóa bỏ nghịch lý “thi càng lên trên càng dễ” nhằm bảo đảm quyền được học tập công bằng, bình đẳng cho mọi học sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống trường, lớp ở cấp THPT, điều chỉnh hợp lý tỷ lệ phân luồng học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Cần kiên quyết xóa bỏ mô hình trường điểm, trường chất lượng cao, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... đồng đều, công bằng cho tất cả các trường THCS. Đối với đào tạo sau đại học, cần siết chặt việc tuyển sinh đầu vào, đặt tiêu chí chất lượng lên trên hết chứ không thể chạy theo số lượng.
TRUNG PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.