Nhà giáo - nơi thừa, chỗ thiếu và nỗi lo lương thấp
Phóng viên (PV): “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT” là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đổi mới căn bản GD-ĐT. Theo ông, 10 năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ này ra sao và còn vướng mắc những gì?
GS, TS Đinh Quang Báo: Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 29 đã tạo ra nhiều thay đổi nhưng rõ ràng nhất là trong nhận thức. Xu hướng chung của nhận thức xã hội đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay dứt khoát phải đổi mới GD-ĐT và phải đổi mới một cách toàn diện, đột phá thì giáo dục Việt Nam mới không bị lạc hậu.
 |
GS, TS Đinh Quang Báo. |
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế việc thực hiện Nghị quyết 29 còn những vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là vấn đề thừa-thiếu giáo viên. Khi ban hành một số môn học mới, giáo viên, người quản lý giáo dục chưa quen cách thức tổ chức dẫn tới số lượng, cơ cấu giáo viên có những biến động. Điều này gây ra thách thức không nhỏ với các nhà quản lý.
Tôi cho rằng thách thức lớn nhất, vừa là khâu cuối của phát triển chương trình vừa là khâu đầu vào của cả quá trình chính là kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra, đánh giá là một bánh lái cho con tàu. Việc kiểm tra, đánh giá tác động tới quá trình dạy và học, từ phương pháp đến nội dung. “Đầu vào” là giáo viên, học liệu được qua quá trình xử lý sẽ cho “đầu ra” là những sản phẩm-học trò có năng lực, kiến thức hay không. Phản hồi của “đầu ra” thế nào là căn cứ quan trọng để điều chỉnh đầu vào và cả quá trình xử lý. Vì thế, kiểm tra, đánh giá giúp chúng ta có những thông tin để điều chỉnh.
Khi nói về vấn đề này, tôi thường nhớ đến hình ảnh một bà mẹ Việt Nam hằng ngày đón con đi học về thường hỏi hôm nay con được mấy điểm. Bà mẹ Israel không thế, họ hỏi hôm nay cô hỏi con mấy câu, con phản biện lại cô và bạn bè mấy câu. Với họ, con nêu được mấy câu hỏi là thành tích học tập. Họ cho rằng con có tư duy phản biện, tư duy phê phán mới đặt được câu hỏi. Có thể thấy việc đánh giá năng lực dựa trên thành tích học tập thay vì chú ý đến điều khiển phương pháp và quá trình dạy và học đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta.
PV: Để có một đội ngũ giáo viên giỏi giang, toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT, chúng ta phải giải quyết đồng bộ tất cả các khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ, chính sách đối với giáo viên. Trong các khâu đó, đâu là điểm nghẽn cần phải giải quyết căn cơ để góp phần làm chuyển biến tình hình?
GS, TS Đinh Quang Báo: Như tôi vừa nói, vướng mắc và cũng là điểm nghẽn chính là tình trạng thừa-thiếu giáo viên. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến tháng 5-2023, cả nước còn thiếu khoảng 118.300 giáo viên (bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu hơn 33.000 giáo viên, trung học cơ sở thiếu hơn 19.300 giáo viên, bậc THPT thiếu gần 14.000 giáo viên). Tôi cho rằng thừa giáo viên dễ giải quyết hơn, vì đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, có thể được giải quyết bằng cách bồi dưỡng, bố trí hợp lý. Tình trạng thiếu giáo viên thì phải giải quyết dài hạn hơn. Trong đó, cần tăng cường nơi cung cấp chính là đào tạo tại các trường sư phạm. Lưu ý là tăng đầu vào nhưng không được hạ điểm chuẩn tuyển sinh sư phạm. Ở nhiều nước, thậm chí phải là học sinh tốp đầu mới vào được sư phạm. Đương nhiên, để làm được điều này thì phải quan tâm đến đãi ngộ đầu ra, sử dụng phù hợp, khích lệ bằng các yếu tố tinh thần...
Như vậy, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng phải là 3 khâu đi với nhau chặt chẽ. Để thực hiện được điều này, chính sách vĩ mô mang tính quyết định. Chủ trương, chính sách phải cụ thể hóa được trong thực tiễn, không chỉ định tính mà phải cả định lượng vì định tính là nhận thức, mà định lượng là để hành động.
PV: Muốn sự nghiệp “trồng người” bền vững thì trước hết người gắn bó với nghề “trồng người” phải được quan tâm về chế độ, chính sách để họ yên tâm công tác và cống hiến. Nhận rõ vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (ban hành năm 1998) đã đề ra chủ trương “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, nhưng suốt 25 năm qua, vì sao chủ trương nhân văn này chưa đi vào cuộc sống?
GS, TS Đinh Quang Báo: Chúng ta nói nhiều về việc học trò là sản phẩm và cũng là trung tâm của quá trình dạy học. Trong quá trình hình thành sản phẩm đó, vai trò của giáo viên mang tính quyết định chất lượng dạy và học. Vì thế, sự thành bại của quá trình đổi mới giáo dục phụ thuộc vào giáo viên. Thế nhưng ngành giáo dục ở nước ta hiện nay chỉ điều chỉnh chuyên môn mà không điều chỉnh được việc sử dụng tài chính, nhân lực.
Theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm học, tính từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, cả nước có hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Một trong những nguyên nhân chính là do tiền lương thấp. Điều này là có cơ sở, bởi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương trung bình của giáo viên chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói đại ý, muốn làm suy yếu một quốc gia nào đó chỉ cần làm suy yếu nền giáo dục mà không cần dùng bom nguyên tử. Điều đó cũng hàm ý giáo viên là nhân tố quan trọng nhất trong giáo dục. Tôi đã tập hợp kinh nghiệm từ một số nước phát triển về bảo đảm chế độ của giáo viên và nhận ra rằng một số nước không quán triệt đầy đủ việc coi trọng giáo viên dẫn đến thất bại.
 |
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn (Hạ Long, Quảng Ninh). Ảnh: MINH HÀ
|
Chẳng hạn, Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) với lứa tuổi 15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng (ở nước ta là khoảng tốt nghiệp THCS) để xác định kiến thức cần thiết cho một con người được các nước trang bị như thế nào. Sau đánh giá năm đầu tiên của PISA (năm 2000), người ta nhận ra một điều: Mỹ, Đức, Anh đứng ở vị trí kém hơn so với các nước khác dù đầu tư cho giáo dục khá lớn. Khi ấy, Thủ tướng Anh Tony Blair yêu cầu trợ lý giáo dục phải tìm hiểu lý do. Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà giáo dục, họ nhận ra rằng họ đã đầu tư cho giáo dục nhưng lại không dành cho giáo viên. Trong khi Phần Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc ở vị trí cao vì tập trung đầu tư cho giáo viên. Cũng theo kết luận này, giáo viên phải được quy hoạch hóa tập trung cao độ bởi vĩ mô nhà nước mà không theo kinh tế thị trường. Ngoài lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên phải ở mức cao. Mức cao ở đây được hiểu là họ không thể trở thành “đại gia” nhưng phải đủ tiền trang trải những sinh hoạt cơ bản so với mặt bằng xã hội như nuôi con, xây dựng nhà cửa... Hiện nay ở nước ta, đầu tư cho giáo viên chưa tương xứng với vị thế, vai trò nghề nghiệp của họ.
Thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục
PV: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định “về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” được kỳ vọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các trường sư phạm, cũng như giải quyết được vấn đề thất nghiệp cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều trường sư phạm và địa phương vẫn đang loay hoay với việc thực hiện nghị định này. Theo ông, vướng mắc nằm ở đâu?
GS, TS Đinh Quang Báo: Tôi cho rằng, một trong những vướng mắc quan trọng khi thực thi Nghị định 116 là việc đặt hàng đào tạo. Thực ra, đặt hàng đào tạo là một chính sách tiến bộ cho giáo viên. Việc này giúp đáp ứng nhu cầu thực tế. Vướng mắc hiện nay chủ yếu là do sự không nhịp nhàng giữa cơ sở đào tạo và địa phương.
Để giải quyết vướng mắc này cần tuân thủ nguyên tắc đáp ứng nhu cầu của người học là trên hết và không ai được vi phạm. Cơ quan quản lý nhà nước cần tìm hiểu nhu cầu đào tạo thực tế đến đâu. Nếu địa phương có nhu cầu mà không chịu đặt hàng đào tạo giáo viên thì phải chấn chỉnh. Nếu địa phương thực sự không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thì cần điều chỉnh. Cả quy trình như thế, nếu để vì thiếu giáo viên mà học trò không được học thì cần xem xét lại trách nhiệm của các bên liên quan. Trong trường hợp này, Bộ GD-ĐT phải là người “bắt bệnh” nhưng “điều trị bệnh” thì Chính phủ, Thủ tướng phải ra tay.
PV: Từng nhiều năm là cán bộ lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông có kiến nghị gì để góp phần thực hiện tốt hơn sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nói chung và nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng?
GS, TS Đinh Quang Báo: Tất cả đổi mới GD-ĐT đều bắt nguồn từ chính sách. Do đó, tôi cho rằng chính sách nên tập trung vào yếu tố quan trọng bậc nhất là đội ngũ giáo viên. Cần đột phá trong chính sách tác động tới đội ngũ giáo viên. Tất cả tác động vào đội ngũ giáo viên hiện tại cũng sẽ tạo ra tác động tới chất lượng đầu vào của các trường sư phạm, đầu ra sư phạm cao lên. Nó trở thành vòng khép kín, tuần hoàn về chất lượng.
Muốn đổi mới giáo dục thì chúng ta phải đổi mới cơ sở đào tạo giáo viên. Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng và có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ cho ngành giáo dục. Các trường sư phạm là “máy cái” của ngành giáo dục nên cần được tăng cường đầu tư, xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm làm nòng cốt cho ngành phát triển. Các trường sư phạm phải được xem là cơ sở đào tạo nhân lực đặc thù, phải được quản lý quy hoạch tập trung, kế hoạch hóa một cách chặt chẽ. Ở nhiều nước, người ta đếm vị trí từng giáo viên để đào tạo chứ không đào tạo số lượng đại khái. Trường sư phạm phải đào tạo đúng đơn đặt hàng về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, khâu sử dụng phải minh bạch, công bằng, lấy chuẩn chất lượng, trong đó có chuẩn nghề nghiệp giáo viên làm chính.
Tôi rất thích cơ chế bên sử dụng đặt hàng và kiểm tra lại “sản phẩm” đầu ra giống như cách làm của một số ngành có doanh nghiệp đặt hàng trường đại học. Nếu đầu ra không đáp ứng thì không được tiếp nhận, sử dụng. Với đặt hàng sư phạm thì trong quá trình học, địa phương đặt hàng cũng phải được tiếp xúc với “sản phẩm” họ đặt hàng, tham gia vào quá trình đào tạo. Như vậy, sinh viên vừa có kiến thức, vừa có thực tiễn. Tôi tin khi đặt hàng như vậy, các trường sư phạm sẽ phấn đấu tốt hơn. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần cố gắng tạo dựng thương hiệu, “trải thảm đỏ” cho đội ngũ giảng viên giỏi.
PV: Sau khi nhậm chức tháng 4-2021, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi một bức thư tâm huyết cho đội ngũ nhà giáo cả nước, trong đó nhấn mạnh: “Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang... Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”. Ông suy nghĩ gì về điều mong mỏi của Bộ trưởng?
GS, TS Đinh Quang Báo: Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Để nhà giáo được tôn vinh như vậy cần nhận thức từ xã hội. Mà nhận thức ấy được thể hiện thông qua hành động bằng chính sách, sự tôn vinh về tinh thần, về chế độ đãi ngộ để đời sống của giáo viên không bị thấp kém.
Ngược lại, để được tôn vinh thì bản thân nhà giáo phải là tấm gương. Tấm gương về phẩm chất, đạo đức của nhà giáo ở đây không chỉ là một phương pháp giáo dục mà còn là nội dung giáo dục. Bản thân nhà giáo đã là một mục tiêu giáo dục. Mỗi người phải là nguồn tri thức cho người học. Chính phẩm chất của nhà giáo cũng là một nguồn để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, nhà giáo phải gương mẫu.
Vậy tấm gương nhà giáo đánh giá như thế nào? Tôi cho rằng đánh giá phải có tiêu chí. Ở đây là chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Chỉ những người đáp ứng đủ những tiêu chí được chi tiết hóa trong chuẩn thì mới có thể giáo dục được học sinh có năng lực. Chuẩn nghề nghiệp phải là công cụ của các nhà quản lý. Để chuẩn nghề nghiệp xác thực thì từng hiệu trưởng phải tổ chức đánh giá giáo viên thật tốt, quản trị nhà trường thật tốt. Muốn vậy, hiệu trưởng phải có năng lực đánh giá và phải dùng chuẩn để đánh giá giáo viên thường xuyên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)
|
(còn nữa)
PHÚC NỘI - THU HÀ - MINH NHÃ (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.