Mức độ hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam còn thấp

PV: Ngay sau khi lập quốc (2-9-1945), với thể chế chính trị ưu việt mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người cho rằng, dân tộc Việt Nam muốn vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì phải chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người cũng mong mỏi chúng ta xây dựng, thực hiện “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em học sinh”. Điều đó nói lên tầm nhìn vượt thời đại của Bác về sứ mệnh của giáo dục nói chung, của việc tiếp cận chuẩn mực giáo dục hiện đại nói riêng. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Cần khẳng định dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học, coi trọng việc học và rất cần cù, chăm chỉ học tập. Nền tảng văn hóa truyền thống này rất quan trọng. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD-ĐT là tư tưởng vượt thời đại và là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam.

 GS, TS Phạm Hồng Chương. Ảnh: HÀ THU 

Có hai vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đề cập. Thứ nhất, đó là vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Bác, không có giáo dục thì không có kinh tế và văn hóa. Thứ hai, triết lý giáo dục phải là phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Cần thay đổi cách nhìn về khả năng và sự hiểu biết của người học có tính chất đa dạng và là yếu tố ẩn chứa bên trong từng người. Bởi vậy, vai trò của giáo dục là làm sao cho mỗi con người phát huy được hết khả năng, phẩm chất vốn có của họ.

PV: “Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo” là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW và đây được xem là “cánh cửa” cho giáo dục Việt Nam đổi mới để dần tiếp cận với những thành tựu, tiến bộ của giáo dục quốc tế. Sau 10 năm nhìn lại, theo ông, sự hội nhập của giáo dục Việt Nam hiện nay ở mức độ nào?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Đây là chủ trương đúng, một hướng đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội.

Hội nhập quốc tế về giáo dục là hiện đại hóa, quốc tế hóa nền giáo dục của một quốc gia nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Việc hội nhập có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, từ việc ký kết điều ước quốc tế thực hiện hợp tác giáo dục, đến việc trao đổi, tham gia các hoạt động quốc tế khác nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn GD-ĐT trong nước.

Giờ học ngoại ngữ ở Trường phổ thông FPT (Hà Nội). Ảnh: HÀ THU  

Hội nhập giáo dục thường trải qua các giai đoạn học hỏi, hợp tác, cạnh tranh và dẫn dắt. Sự hội nhập của giáo dục Việt Nam đến nay vẫn ở mức độ thấp, chưa hết giai đoạn đầu cần sự học hỏi kỹ lưỡng và sàng lọc kinh nghiệm quốc tế về chương trình, nội dung, giáo trình, phương pháp giáo dục và phương pháp tổ chức hệ thống giáo dục.

PV: Theo các chuyên gia, nếu chúng ta chủ động tiếp cận nhanh với các nền giáo dục phát triển trên thế giới thì có lẽ nền giáo dục của chúng ta không phải loay hoay với việc đổi mới như hiện tại và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, sức mạnh nội sinh đất nước, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tầm vóc lớn hơn bây giờ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, chúng ta đã có những thành tựu đổi mới giáo dục bước đầu, nổi bật là số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về cả số lượng và chất lượng. Từ tinh thần Nghị quyết 29, chúng ta đã có Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018, trong đó có quy định giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Dù giáo dục Việt Nam năm 2021 đứng thứ 59 và tăng 5 bậc trong Bảng xếp hạng quốc gia có nền giáo dục tốt nhất, nhưng Việt Nam vẫn đứng sau 5 nước ASEAN gồm: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Theo quan điểm của tôi, vị trí này chưa tương xứng với tiềm năng và khát vọng phát triển của giáo dục Việt Nam.

Nhìn vào các nước khu vực ASEAN, rõ ràng giáo dục phát triển song hành với phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm cho thấy phải đầu tư cho giáo dục trước, sau một thời gian sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển chứ không thể đợi kinh tế phát triển rồi mới đầu tư cho giáo dục. Động lực thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển chủ yếu do các gia đình chi tiêu, đầu tư rất nhiều cho giáo dục, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, đó là một thực tế.

 Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trò chuyện bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: HÀ THU  

PV: Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, lĩnh vực nào cũng rất cần đầu tư. Vậy nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục cần tập trung ưu tiên như thế nào để tiếp cận được với chuẩn giáo dục quốc tế?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Bài toán phát triển giáo dục liên quan đến việc phân bổ ngân sách và tạo nguồn thu ngân sách. Phải tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội mới có nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, câu chuyện là ưu tiên cái gì. Có những thứ đòi hỏi đầu tư rất lớn, nhưng không phải tất cả các ngành, các hoạt động đều đòi hỏi phải có một đầu tư rất lớn.

Với nguồn lực đang có, đầu tư dàn trải cho hơn 200 trường đại học hiện nay chắc chắn chúng ta không thể làm được. Với quy mô dân số 100 triệu người hiện nay, theo tôi, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào khoảng 30 trường đại học là có đủ khả năng gánh vác việc tiếp cận với chuẩn giáo dục quốc tế, từ đó tạo hiệu ứng dẫn dắt những trường còn lại.

Câu chuyện giống như cảng biển, nếu đầu tư có trọng điểm thì chúng ta sẽ làm được một số cảng biển rất tốt; còn đầu tư dàn trải, địa phương nào cũng muốn xây cảng biển thì làm sao có thể tạo ra những cảng biển đẳng cấp?

Ngay cả những nước phát triển như Australia, mặc dù định hướng xuất khẩu tại chỗ là giáo dục nhưng nhà nước vẫn ưu tiên đầu tư cho khoảng 30 trường công lập để tiếp tục nâng cao vị thế các trường. Các trường cũng dành một diện tích đất nhất định đầu tư xây khu công nghiệp liên kết để đào tạo. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm như vậy.

Tuy nhiên, chúng ta lại quá tham vọng, tỉnh nào cũng muốn có trường đại học hoành tráng dẫn tới sự đầu tư dàn trải. Hội nhập quốc tế chỉ có một số trường có đủ năng lực làm được. Họ buộc phải có đội ngũ giảng viên có đủ năng lực để hợp tác quốc tế, sinh viên phải được trang bị kiến thức tương đồng, ngôn ngữ tương đồng; cơ sở vật chất và chương trình đào tạo cũng phải tương đồng. Để có được yếu tố đó thì không thể đầu tư ngắn hạn mà phải đầu tư dài hạn với tầm nhìn ít nhất từ 20 năm trở lên.

Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông

PV: Nói đến việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không thể không nói đến đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả theo những chuẩn mực chung của giáo dục hiện đại. Nhưng có lẽ đây là một trong những điều khiến dư luận xã hội băn khoăn vì còn khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tiễn. Vậy đâu là căn nguyên, thưa ông?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Theo tôi, căn nguyên là ở hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam còn chưa hoàn thiện, chưa thực chất.

Nhìn ở góc độ giáo dục đại học, chúng ta thấy rất rõ các hạn chế này. Đó là nhận thức của các nhà quản lý giáo dục về hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng chưa đầy đủ. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chưa có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin phục vụ cho quá trình đánh giá còn thiếu, chưa được tổ chức khoa học.

Cơ chế bảo đảm chất lượng hiện nay chưa bảo đảm tính độc lập giữa các bên (tự đánh giá, đánh giá ngoài, quản lý nhà nước). Nhân lực có trình độ trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng của Việt Nam còn thiếu và yếu về chuyên môn. Điều này dẫn tới việc mất định hướng và chuẩn mực cho đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả.

PV: Từng có nhiều năm theo học đại học, học sau đại học và nghiên cứu sinh ở một số nước, cũng như qua nghiên cứu, ông thấy các nước có nền giáo dục phát triển đã đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT như thế nào? Việt Nam có thể tiếp thu thành tựu khoa học giáo dục trên thế giới ở những điểm mấu chốt gì?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Điểm chung của các nền giáo dục phát triển là họ đều phát triển giáo dục mở-là triết lý về cách mọi người tạo ra, chia sẻ và xây dựng kiến thức. Thúc đẩy hợp tác là trọng tâm của nền giáo dục mở và chia sẻ là đặc điểm cơ bản nhất của giáo dục mở. Trong nền giáo dục mở, hệ thống các tài liệu học tập mở và các khóa học, lớp học trực tuyến mở được tạo ra dựa trên nền tảng các công nghệ. Các trường đại học thông minh, đại học số được hình thành và phát triển đem đến cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trên thế giới, vượt qua các rào cản ngôn ngữ, văn hóa và địa lý.

Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu các thành tựu trên để “đi tắt đón đầu” trong việc phát triển nền giáo dục, để tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Ở các nước phát triển, căn cứ lớn nhất để sử dụng lao động là trình độ, năng lực chứ không phải bằng cấp. Điều này khiến giáo dục đi vào thực chất, các trường bảo đảm chất lượng đào tạo sẽ thu hút đầu vào tốt. Còn ở Việt Nam hiện nay, phần lớn khu vực tư tuyển dụng theo hướng năng lực, còn khu vực công cần cải thiện để thu hút được nhân lực lao động có năng lực thực sự. Về phía các trường đại học, sự liên thông ở các nước phát triển không bị giới hạn bởi rào cản pháp lý. Do đó, Việt Nam cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật để việc học của người học được liên tục, thực chất, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, xã hội phải được xây dựng trên nền tảng một con người khi bước vào thế giới lao động phải bảo đảm người đó được làm việc mà họ yêu thích, có năng lực làm việc tốt và có điều kiện thu nhập tốt. Quan niệm của nhiều người cho rằng có bằng đại học mới bảo đảm công việc được thuận lợi như hiện nay là không còn phù hợp.

PV: Trong bối cảnh toàn thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo ông, chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề căn cốt nào để giáo dục Việt Nam không bị tụt hậu? Ông có đề xuất gì để góp phần cải thiện vị thế, nâng tầm thương hiệu giáo dục Việt Nam trong khu vực và trên thế giới?

GS, TS Phạm Hồng Chương: Đối với giáo dục đại học Việt Nam, vấn đề căn cốt để không bị tụt hậu là phải đổi mới mô hình giáo dục, trong đó trước hết mô hình giáo dục đại học, phải thay đổi cách dạy của giảng viên, cách học của sinh viên.

Cụ thể, cần dạy người học cách suy nghĩ và sáng tạo; thay đổi cách nhìn về khả năng và sự hiểu biết của người học-có tính chất đa dạng và là yếu tố ẩn chứa bên trong con người; trường học phải là môi trường tốt nhất với người học-nơi người học được nuôi dưỡng tâm hồn, niềm đam mê; học tập phải là công việc suốt đời, trường học chỉ là nền tảng; xây dựng nền giáo dục mở dựa trên nguồn lực xã hội hóa giáo dục để mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; học để làm chủ bản thân, lập nghiệp, làm chủ đất nước và sánh vai với bạn bè năm châu.

Đẩy mạnh tự chủ đại học một cách toàn diện; đầu tư nguồn lực xứng đáng cho phát triển giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Về mặt vĩ mô là đầu tư có trọng điểm, gắn với những mục tiêu, chiến lược dài hạn nhưng phải có những đề án phát triển giáo dục đại học cụ thể, thực chất, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”.

(Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

 

PHÚC NỘI - THU HÀ - MINH NHà(thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.