“Bệnh thành tích” gây nhiều tác hại cho nền giáo dục

Phóng viên (PV): Thưa ông, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm của nền giáo dục nước ta là: “Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn”. Sau 10 năm nhìn lại cảnh báo đó, ông nhận định thực trạng này hiện nay như thế nào?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Công bằng mà nói, nền giáo dục nước nhà 10 năm qua đã có những chuyển biến rõ nét hơn, nhất là việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018; số lượng cơ sở giáo dục các cấp mở rộng về quy mô; nhận thức về tính cấp thiết và yêu cầu đổi mới căn bản GD-ĐT trong ngành giáo dục và toàn xã hội được nâng cao; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có tiến bộ hơn.

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú. 

Tuy nhiên, không riêng tôi mà nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục cho rằng, Đảng đã có nghị quyết đúng, trúng và thẳng thắn chỉ ra các thiếu sót cần khắc phục. Thế nhưng nhiều khiếm khuyết chưa được khắc phục triệt để, thậm chí có vấn đề lại nặng nề, tinh vi hơn. Những biểu hiện thương mại hóa giáo dục, tình trạng dạy thêm tràn lan, "bệnh thành tích" như một “khối u” chưa được triệt tiêu tận gốc; nhất là những vụ việc tiêu cực nổi cộm trong ngành giáo dục gây chấn động dư luận xã hội, như vụ hơn 220 thí sinh được nâng khống điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; vụ cấp hơn 400 bằng tiếng Anh giả ở Trường Đại học Đông Đô năm 2019. Hậu quả kéo theo là hàng chục nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vướng vào lao lý và hơn 200 cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật. Đây là nỗi hổ thẹn đối với những nhà giáo chân chính; đồng thời cũng chứng tỏ lời cảnh báo về tình trạng “Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn” của Đảng ta cách đây tròn một thập kỷ đến nay vẫn có tính thời sự nóng bỏng.

PV: Có chuyên gia giáo dục cho rằng, nhìn vào việc thi cử ở nước ta những năm qua (nhất là thi chuyển cấp vào lớp 10 công lập, thi tốt nghiệp THPT, thi đại học...) mới thấy sự lúng túng trong đổi mới giáo dục. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân luồng sau THCS. Chủ trương đúng, nhưng làm lại lúng túng, chưa hiệu quả. Theo tôi, có 3 lý do chính. Một là, hướng dẫn, giáo dục chưa tốt về sự cần thiết việc phân luồng của một nền giáo dục quốc gia; trên thế giới không có nước nào cho hầu hết học sinh vào học đại học để sau này ra thành cử nhân, kỹ sư. Hai là, việc tuyên truyền về phân luồng chưa đủ sức thuyết phục, vì thế chưa thu hút được học sinh hướng vào lựa chọn học nghề. Ba là, do các tiêu cực trong dạy-học nên đánh giá học sinh ở nhiều nơi không đúng; có hiện tượng người học kém thì điểm cao, được vào lớp 10 công lập, thậm chí vào học cả đại học. Sự bất cập đó khiến cho việc phân luồng bị xáo trộn, thậm chí mất tác dụng. 

PV: Người Việt ta, dân tộc ta có truyền thống hiếu học, trọng khoa bảng, nhưng mặt trái đi kèm là dễ có tâm lý háo danh, nhiều người học tập, thi cử cốt chỉ đạt điểm cao, để mong được “làm quan”. Phải chăng đó cũng là một trong những rào cản khiến việc đổi mới giáo dục trong 10 năm qua chưa đạt yêu cầu “căn bản, toàn diện” như Đảng ta mong muốn?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, trọng khoa bảng, trọng bằng cấp, trọng người tài. Thời phong kiến trước đây, ai đỗ đạt trạng nguyên khi trở về làng vinh quy bái tổ thì được cả làng ra rước đón rất trọng thị.

Tuy nhiên, vì hiểu chữ “danh” không đúng mà không ít người thời nay vẫn mang nặng tư tưởng tâm lý đi học để thi đỗ, để được “làm quan”. Theo tôi, truyền thống hiếu học cần phát huy, nhưng suy nghĩ và hành động đúng của các em học sinh, phụ huynh, gia đình và cả xã hội để đáp lại truyền thống tốt đẹp này cần phải: Một là, muốn học thành tài, thành danh để giúp đời, giúp nước thì phải ra sức học, chỉ có khổ học, khổ luyện, học thật, thi thật, kết quả thật, bằng cấp thật mới xứng đáng với danh vị của mình; Hai là, khi đã cố gắng hết sức rồi mà không đạt được thì thôi, xem mình có khả năng gì thì xoay sang hướng đó, xã hội còn nhiều việc đang cần mình, chờ đợi mình. Nhất quyết không được chạy chọt, đút lót để được điểm cao, để đỗ đạt, dùng tiền mua bằng cấp. Cái sai của con người ta là ở chỗ do sính bằng cấp, háo danh nên đã tìm mọi thủ đoạn đút lót, gian lận để được lên lớp, để đỗ, để có tấm bằng và sau này được thăng quan tiến chức. Bây giờ, Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý các “rào cản” này bằng cách xử lý thật nghiêm, thật nặng, xử lý không có vùng cấm các sai phạm, các gian lận trong lĩnh vực GD-ĐT.

Cô giáo Trường Tiểu học Hùng Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng) ân cần hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết. Ảnh: MINH HÀ 

PV: Ngành giáo dục từng rầm rộ phát động Cuộc vận động “Nói “không” với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” từ năm 2006, nhưng vì sao suốt 17 năm qua, chúng ta không những chưa ngăn chặn được tận gốc mà căn bệnh này vẫn tồn tại dai dẳng, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Ngày 8-9-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về việc chống tiêu cực và khắc phục "bệnh thành tích" trong giáo dục. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện cuộc vận động này trong toàn ngành từ năm học 2006-2007.

Tuy vậy, từ đó đến nay, cuộc vận động này cơ bản chưa đạt kết quả như chúng ta mong muốn. “Bệnh thành tích” vẫn không giảm đi, thậm chí có biểu hiện còn tinh vi hơn, khó khắc phục. Bằng chứng là có con số nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong năm 2017, từ 140 cuộc tọa đàm với 710 đối tượng là học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ chính quyền địa phương, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục ở 4 tỉnh, thành phố khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã đi đến các kết luận: 1) Học sinh, sinh viên gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao (73% ý kiến khẳng định); 2) Học sinh nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc được lên lớp (48% ý kiến khẳng định); 3) Giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua (38% ý kiến giáo viên khẳng định).

Tại sao nhiều nơi lại tự chấp nhận một quy định là tỷ lệ học sinh giỏi trong lớp được xem là dấu hiệu khẳng định uy tín, tay nghề của giáo viên, đẳng cấp của cả trường, là tiêu chí để xem xét thi đua? Lớp mất điểm thi đua thì giáo viên chủ nhiệm không được khen thưởng, không được lên lương, trường mất điểm thành tích. Vì vậy buộc phải cho học sinh lên lớp. Hệ quả là có học sinh lớp 5 nhưng lại không biết đọc, biết viết. Điều này đã gây tai hại cho sự nghiệp giáo dục nước nhà đến chừng nào.

Trả lời cho câu hỏi vì sao 17 năm qua, tiêu cực và "bệnh thành tích" trong giáo dục vẫn “có đất” phát triển, theo tôi, do các nguyên nhân chủ quan: 1) Phẩm chất chính trị-tư tưởng, ý thức trách nhiệm, đạo đức của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý non kém; 2) Giấu giếm, không dám báo cáo sự thật vì sợ ảnh hưởng đến thi đua, thăng tiến của cá nhân; 3) Năng lực giáo dục, dạy học của giáo viên và năng lực quản trị của lãnh đạo nhiều nhà trường còn hạn chế, không phát hiện đúng hoặc khi phát hiện ra các sai phạm lại không có biện pháp xử lý đúng nhằm kịp thời răn đe các sai phạm khác. Nguyên nhân khách quan là: 1) Các nhà trường bị dồn ép bởi áp lực tiêu cực từ cấp trên, từ các phụ huynh, từ phía xã hội; 2) Các phương tiện kỹ thuật giám sát vừa thiếu, vừa yếu nên không đủ khả năng phát hiện, phân tích, ngăn chặn kịp thời các vụ việc gian lận xảy ra.

Kiên quyết làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục

PV: Sau khi nhậm chức và trong buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo chủ chốt của Bộ GD-ĐT (ngày 14-5-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu toàn ngành giáo dục phải “khắc phục bằng được bệnh phô trương, bệnh thành tích để đi vào thực chất”, đồng thời nhấn mạnh phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Trung thực là một phẩm chất rất quan trọng để đánh giá bộ mặt đạo đức của con người. Trong giáo dục, trung thực lại càng quan trọng vì liên quan đến GD-ĐT con người. Vì vậy, các nhà trường phải trung thực, lãnh đạo nhà trường phải trung thực, nhà giáo phải trung thực, học sinh phải trung thực, các bậc phụ huynh phải trung thực, toàn xã hội phải trung thực. Nếu nhà trường và các thầy cô, học sinh không trung thực thì sản phẩm của các nhà trường sẽ là một lớp người giả dối, bất tài. Lớp người này tất yếu sẽ phá hoại đất nước. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi “học thật, thi thật, nhân tài thật” phải được coi là mệnh lệnh chính trị để góp phần xây dựng niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục Việt Nam hiện nay.

Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện nghi thức Đội. 

PV: Ông có cho rằng, việc thật sự coi trọng văn hóa học đường trong toàn bộ quá trình giáo dục và hệ thống giáo dục nước nhà sẽ góp phần xây dựng “nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp” như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng đã đề ra không?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Đề cao, coi trọng văn hóa học đường là hết sức cần thiết nhằm làm chuẩn mực hóa, lành mạnh hóa các hoạt động giáo dục trong các nhà trường hiện nay. Ví như người có bệnh thì phải uống thuốc. Mỗi loại thuốc có tác dụng chữa trị cho một góc nào đó của bệnh. Việc đề cao, coi trọng văn hóa học đường được xem như một loại thuốc trong việc góp phần “bình ổn” diện mạo đạo đức trong sáng, lành mạnh của các nhà trường hiện nay. Tất nhiên, cùng với coi trọng văn hóa học đường, các nhà trường và cả xã hội còn phải làm nhiều việc khác nữa mới có thể tạo dựng được diện mạo, giá trị đích thực của nền giáo dục nước nhà. 

PV: Là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, ông có đề xuất gì để góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam trung thực, đổi mới, hội nhập và phát triển?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Để có thể hiến kế xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, trung thực, đổi mới, hội nhập, theo tôi cần xem xét toàn diện các nhân tố tham gia quá trình vận hành của nền giáo dục nước nhà. Có các nhân tố thuộc nhóm 1 có vai trò quyết định, chi phối mạnh nhất việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đó là nhóm lãnh đạo, quản lý vĩ mô, bao gồm Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT và cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các nhân tố thuộc nhóm 2 là lực lượng trực tiếp vận hành nền giáo dục tại các cơ sở GD-ĐT, bao gồm: Ban giám hiệu các trường, đội ngũ giáo viên, học sinh. Nhóm 3 góp phần vào các hoạt động chung của GD-ĐT gồm có phụ huynh, người dân và toàn xã hội.

Theo tôi, nếu phụ huynh học sinh nào đó dùng tiền mua chuộc nhằm thay đổi kết quả thi thì là hành vi tội phạm. Người dân nào đó biết sai phạm nhưng không tố giác, do vì cũng được hưởng lợi, thì cũng là hành vi tòng phạm... Các hành vi sai trái như trên đều phải được xử lý nghiêm minh nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Trong tình hình hiện nay, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện các văn bản luật pháp với tinh thần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong GD-ĐT, nếu ai sai phạm đều phải xử lý thật nghiêm khắc. 

Tất nhiên, thành công hay khuyết điểm của một nền giáo dục trước hết phải quy trách nhiệm đối với những chủ thể cơ bản vận hành nền giáo dục đó, nhưng nói thế không có nghĩa là các thành phần liên quan khác vô can. Về vấn đề này, tôi xin được dẫn lại lời phát biểu của GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một nhà giáo vô cùng tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Khi trả lời phỏng vấn báo chí thời điểm tháng 4-2019, GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc cho rằng, để thay đổi về chất nền giáo dục quốc dân thì phải có sự quyết tâm mạnh mẽ, hành động quyết liệt từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Vì đổi mới nền giáo dục nước nhà không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, mà đây là trọng trách chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo”. (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

 

PHÚC NỘI - THU HÀ - MINH NHà(thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.