Câu chuyện về bức tâm thư xin lỗi nêu trên như một lát cắt về lòng tự trọng, danh dự, trách nhiệm, thái độ thẳng thắn về những sai phạm trong quá trình thực thi công vụ. Đây thực sự là bài học đau lòng trong việc buông lỏng quản lý, lãnh đạo, gây hậu quả nghiêm trọng. Song vấn đề dư luận quan tâm hơn cả, đó là tới đây, ngành đăng kiểm sẽ sửa lỗi, lấy công chuộc tội như thế nào. Bởi lẽ, quan trọng hơn cả lời xin lỗi là thái độ, trách nhiệm và hiệu quả sửa lỗi.

Trong giao tiếp xã hội, đặc biệt trong hoạt động công quyền, lời xin lỗi rất đáng quý và cần thiết. Người cán bộ, đảng viên làm sai mà biết nhận ra cái sai của mình rồi chủ động xin lỗi và tìm giải pháp khắc phục, sửa sai sẽ giúp lấy lại niềm tin của tổ chức và nhân dân. Có một minh chứng ở tỉnh Hà Tĩnh: Để sửa lỗi phần việc lãnh đạo thời kỳ trước gây thiệt thòi về đất đai cho gần 20 hộ dân, đồng chí Dương Kim Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã trực tiếp đến từng hộ dân để xin lỗi, đề xuất phương án và thuyết phục. Nhờ cách làm thấu tình đạt lý, các hộ dân tin tưởng làm theo, chấm dứt khiếu kiện và đặt niềm tin ở thế hệ lãnh đạo mới.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi công khai xin lỗi người bị khởi tố, tạm giam oan tại Bình Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Song thật đáng buồn, thời gian qua, có không ít cán bộ, đảng viên vi phạm, khi bị phát hiện thì bao biện, lấp liếm khuyết điểm, không dám nhận lỗi về mình, thậm chí đổ lỗi cho cấp dưới. Lại có cán bộ, đảng viên nhận lỗi và xin lỗi cho xong rồi để đấy mà không quan tâm khắc phục, hoặc giải quyết kiểu nửa vời.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Tại Hội nghị lần thứ mười (mở rộng), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (năm 1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm và xin lỗi dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Trung ương Đảng đã đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh, sửa sai, khôi phục danh dự, xét lại án sai, bù đắp cho những người bị oan, nhờ đó khắc phục được sai lầm, khuyết điểm.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương có quy định làm sai thì phải xin lỗi người dân. Nhưng vì sao các sai phạm vẫn cứ diễn ra? Lời xin lỗi trước chưa giải quyết xong, lại tiếp tục xin lỗi việc làm sai khác. Thậm chí đứng trước vành móng ngựa vẫn nói "lời xin lỗi sau cùng". Có ý kiến nói vui là “dân đâu có nhiều lỗi để mà xin”. Thành thử các quy định vẫn mang nặng tính hình thức, thiếu hiệu quả.

Để lời xin lỗi trước Đảng, trước dân thật sự đúng nghĩa, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc việc xin lỗi và sửa lỗi. Nghĩa là không phải cứ nhận lỗi và xin lỗi rồi là xong, mà phải có giải pháp, hướng khắc phục, giải quyết lỗi ấy. Các cơ quan công quyền phải có chế tài, quy định rõ ràng: Xin lỗi như thế nào, bằng cách nào, thái độ, hành vi ra sao; đánh giá mức độ sửa lỗi như thế nào; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi sự thay đổi của cá nhân làm sai. Có như vậy, lời xin lỗi của cán bộ, đảng viên mới thực chất, thực tâm.

PHẠM KIÊN