Ảnh minh họa: TTXVN

Có thực tế là, hiện nay không ít dự án bị vướng do quy hoạch, có tỉnh vẫn còn loay hoay với quy hoạch cũ, quy hoạch chồng chéo... Trước đây, 3 địa phương: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cùng thực hiện Quyết định và kế hoạch triển khai quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đã xây dựng các quy hoạch phát triển độc lập với tầm nhìn riêng biệt, xác định các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2026-2030. TP Hồ Chí Minh quy hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế, đầu mối logistics và công nghệ cao. Bình Dương là vùng công nghiệp thông minh. Bà Rịa-Vũng Tàu là cảng biển, dầu khí và du lịch. Nhiều khu công nghiệp, cảng biển của 3 địa phương này quy hoạch liền kề nhau, nhưng lại không liên kết hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thiếu đồng bộ về môi trường và logistics, dẫn đến lãng phí nguồn lực, khai thác, vận hành chưa đồng bộ, hiệu quả... Giải quyết bất cập trên, TP Hồ Chí Minh (mới) đã xác định tinh gọn quy hoạch theo hướng “một trung tâm-đa cực liên kết”, lấy đô thị xanh, công nghệ cao, logistics làm trụ cột.

Sau sáp nhập mở ra không gian phát triển mới, cơ chế điều hành mới, đặt ra yêu cầu cần làm sớm, làm ngay việc rà soát, tinh gọn, tích hợp quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cấp huyện, cấp xã... Việc này đòi hỏi tính toán kỹ, có tư duy chiến lược, tích hợp các quy hoạch khoa học, tránh “cắt-dán” cơ học dẫn đến xung đột trong sử dụng đất, định hướng đầu tư, quản lý tài nguyên... Như thế, tinh gọn gắn với tích hợp quy hoạch mới bảo đảm hiệu quả, phát huy tối đa lợi thế không gian mới, mở ra cơ hội phát triển đồng bộ các lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.