Chị Nguyễn Ngọc Ánh (phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ: “Trong suốt nhiều năm làm kinh doanh nhỏ, bản thân tôi và nhiều người cùng ngành chưa tham gia BHXH do chưa thuộc diện bắt buộc. Giờ đây, khi được pháp luật ghi nhận, chúng tôi có thêm cơ hội bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro về sức khỏe, tuổi già hay tai nạn bất ngờ”. Không chỉ mở rộng đối tượng tham gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 78/2025/UBTVQH15, trong đó quy định: Thời gian mà chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc trước ngày 1-7-2025 sẽ được ghi nhận để làm căn cứ giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Đây là chính sách kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho những chủ hộ đã chủ động tham gia BHXH trong thời gian trước khi luật có hiệu lực.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: tuoitre.vn

Luật sư Trịnh Xuân Tiến (Công ty Luật TNHH Trịnh Gia) cho biết: “Theo khoản 1, Điều 32-Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, tổng cộng 25% trên mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Do vậy, những hộ kinh doanh nhỏ cần căn cứ vào khả năng tài chính hiện tại để chọn mức đóng vừa sức, tránh bị gián đoạn, nhưng cũng đừng quá thấp để không ảnh hưởng đến quyền lợi về sau”. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, giúp người dân, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ, nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia chính sách mới này. Đồng thời, cần có lộ trình phù hợp để người dân chủ động tham gia mà không gặp áp lực tài chính đột ngột.

ANH THƯ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.