Đây là kỳ tích không chỉ ở tiến độ “thần tốc” mà còn ở tinh thần “không bàn lùi”, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự linh hoạt, sáng tạo của từng địa phương.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn 

Tuy nhiên, như một cán bộ ở Cà Mau từng thẳng thắn: “Không thể để nhà mới thành nơi... che đói”. Thực tế, sau khi hỗ trợ nhà ở cho hơn 6.900 hộ, tỉnh Cà Mau (cũ) vẫn còn hơn 5.900 hộ cần được hỗ trợ sinh kế. Để bảo đảm an cư đi liền với lạc nghiệp, địa phương này đã chủ động phát động thêm chương trình tạo sinh kế, khuyến khích mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo với tinh thần quyết liệt như khi xóa nhà tạm. Đây là bước chuyển đúng hướng, bởi một mái nhà kiên cố là điều kiện cần, nhưng thu nhập ổn định mới là điều kiện đủ để người dân thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ sinh kế không phải là vấn đề mới, chúng ta cũng không phủ nhận những kết quả đã đạt được trong giảm nghèo. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách tiếp cận mới thực chất và toàn diện hơn. Đã đến lúc chuyển từ “cho” sang “trao quyền”, từ “cấp phát” sang “tạo cơ hội”, để người dân trở thành chủ thể phát triển. Không dừng lại ở “con bò", "căn nhà”, hỗ trợ sinh kế phải là một hệ sinh thái: Mô hình sản xuất - tiêu thụ khép kín; đào tạo nghề sát thực tiễn; đặc biệt là kết nối thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

An cư là nền tảng, lạc nghiệp là điều kiện quyết định. Chỉ khi hai yếu tố này song hành thì công cuộc giảm nghèo mới đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững.

THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.