Ra đời năm 2017, với tư cách là trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận, VCCA sớm xác định sứ mệnh trưng bày tác phẩm, đồng thời dẫn dắt, định hướng nghệ thuật thông qua hoạt động giám tuyển bài bản. Mỗi chương trình nghệ thuật tại đây là kết quả của quá trình chọn lọc công phu, kết nối chặt chẽ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng.
Trong bối cảnh hệ sinh thái giáo dục nghệ thuật trong nước còn đang trong quá trình hoàn thiện, vai trò của công tác giám tuyển tại VCCA ngày càng trở nên nổi bật. Theo bà Nguyễn Trà My, Giám đốc VCCA, mỗi năm, VCCA tổ chức trung bình 15 triển lãm cùng hàng chục sự kiện giáo dục nghệ thuật, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế, mang đến không gian trải nghiệm nghệ thuật chuyên sâu cho hơn 600.000 lượt khách tham quan. Những triển lãm tiêu biểu như: “Tỏa”, “Hành tinh nhựa”, “Cảnh mộng”, “Thủy triều cảm xúc”... đã cho thấy sự tuyển chọn tinh tế, định hướng chuyên môn rõ rệt từ đội ngũ giám tuyển, góp phần đáng kể trong việc nâng cao thẩm mỹ, nhận thức văn hóa-nghệ thuật cho công chúng Việt Nam.
 |
Nghệ sĩ, giám tuyển Trương Quế Chi trò chuyện với công chúng tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom. Ảnh do VCCA cung cấp
|
Bên cạnh số lượng triển lãm, giá trị của VCCA còn nằm ở cách Trung tâm định hình vai trò giám tuyển như người kiến tạo bối cảnh sáng tạo. Các chương trình ươm mầm tài năng trẻ, trại sáng tác nghệ thuật, hợp tác quốc tế... đã tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ trẻ được đồng hành với những giám tuyển giàu kinh nghiệm, mở rộng khả năng sáng tác cùng cơ hội tiếp cận chuyên nghiệp với thị trường nghệ thuật quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ nghệ sĩ, VCCA đặc biệt chú trọng phát triển năng lực cho lực lượng giám tuyển trẻ. Thông qua các workshop, khóa đào tạo chuyên sâu, chương trình hợp tác với các giám tuyển quốc tế, Trung tâm từng bước xây dựng đội ngũ những người làm nghề với tầm nhìn hiện đại, sẵn sàng đảm đương vai trò dẫn dắt nghệ thuật nước nhà trong tương lai.
Một điểm đặc sắc trong hành trình của VCCA chính là nỗ lực không ngừng trong công tác giáo dục cộng đồng. Các buổi tọa đàm, trò chuyện nghệ thuật do những giám tuyển uy tín như Trần Lương, Ace Lê, Đỗ Tường Linh dẫn dắt đã trở thành những "lớp học mở", góp phần bồi đắp nền tảng tri thức thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Sự tham gia của các giám tuyển và chuyên gia quốc tế đã giúp khán giả Việt tiếp cận phương pháp luận hiện đại trong thưởng thức nghệ thuật và mở rộng hiểu biết về bối cảnh phát triển nghệ thuật thế giới.
Sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hôm nay không thể tách rời khỏi nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái giám tuyển chuyên nghiệp. VCCA, bằng việc làm việc chặt chẽ với các giám tuyển, nghệ sĩ và tổ chức quốc tế, đã góp phần quảng bá giá trị nghệ thuật Việt ra thế giới, dần định hình tiêu chuẩn mới về cách thức tổ chức, vận hành và phát triển không gian nghệ thuật đương đại trong nước.
Trong bối cảnh nghệ thuật đang đối diện với nhiều thách thức về sự thương mại hóa và công nghệ số, VCCA kiên trì giữ vững nguyên tắc nghệ thuật vì cộng đồng, xây dựng những không gian sáng tạo trung thực và nhân văn. Đây cũng chính là nền tảng để Trung tâm tạo dựng niềm tin bền vững trong lòng công chúng và giới chuyên môn.
Khi thế giới ngày càng đề cao vai trò của giám tuyển như những “kiến trúc sư tư tưởng” cho nền nghệ thuật thì tại Việt Nam, sự hiện diện và nỗ lực của VCCA đã trở thành điểm tựa quan trọng. Trong tương lai, hành trình của VCCA không chỉ dừng lại ở những triển lãm hay sự kiện mà còn là hành trình bền bỉ gieo trồng nhận thức, hun đúc tài năng và vun đắp một nền nghệ thuật Việt tự tin sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
VIỆT THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.