Trung úy Đặng Thái Trà, Học viện Quân y:

Cần nhận rõ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với yêu cầu hiện đại hóa Quân đội

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), đặc trưng bởi sự thay đổi về chất của sản xuất, trên cơ sở đột phá của khoa học công nghệ. Giờ đây, cuộc CMCN lần thứ 4 đang nảy nở và phát triển từ cuộc CMCN lần ba, là cuộc cách mạng kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. CM 4.0 tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, dựa trên các đột phá trong công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Thực tế này đã đặt ra cho CTĐ&PTTN Quân đội những yêu cầu về nhận thức và hành động để đáp ứng với những lợi ích cũng như những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp này đặt ra đối với chúng ta.

leftcenterrightdel
Trung úy Đặng Thái Trà. Ảnh: Hoàng Hà
Trong lĩnh vực y tế, những thành tựu của CMCN 4.0 đã được áp dụng rất nhanh vào quản lý và chăm sóc sức khỏe như Y học từ xa giúp các bác sĩ có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa cho bộ đội và nhân dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; Bệnh án điện tử giúp quản lý sức khỏe có hệ thống; robot trong phẫu thuật, bác sĩ robot trong hội chẩn, chẩn đoán bệnh đã được nhiều bệnh viện trên thế giới và trong nước áp dụng.

Điều đặc biệt và hứa hẹn nhất của CMCN 4.0 trong y học là làm thay đổi xu hướng y học của thế kỉ 21, đó là “Y học cá thể hóa” và “Y học tái tạo”. Nhờ các thành tựu của công nghệ gen, công nghệ tin sinh học, trí tuệ nhân tạo… cho phép căn cứ vào bộ gen của mỗi người để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn, xây dựng phác đồ điều trị tối ưu cho từng cá thể, điều trị chúng đích, hiệu quả tối đa, độc tính tối thiểu.

Về lĩnh vực Y học tái tạo, sử dụng công nghệ tế bào gốc, công nghệ mô, công nghệ in 3D cho phép tái tạo các tế bào, mô, cơ quan trong cơ thể bị tổn thương giúp trẻ hóa, tăng cường tuổi thọ, giảm bớt các bệnh mạn tính và phục hồi các phần cơ thể bị thương tích – bao gồm cả các vết thương do chiến tranh cũng như các vấn đề về thiếu nguồn mô và tạng để cấy ghép chữa bệnh.

Để tận dụng tối đa cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, thiết nghĩ thanh niên Quân đội phải nhanh chóng tiếp cận, bắt kịp xu thế, xung kích, sáng tạo trong tiếp thu, phát triển khoa học công nghệ.

Thứ nhất, tổ chức Đoàn các cấp phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên nhận rõ bản chất, nội dung, vai trò và tác động của CMCN 4.0 đối với yêu cầu hiện đại hóa Quân đội, sát với điều kiện cụ thể từng đơn vị. Biện pháp giáo dục, tuyên truyền linh hoạt, áp dụng các ưu thế về công nghệ số, mạng xã hội; tăng cường tổ chức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực trẻ nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0, chú trọng điều chỉnh các chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học- công nghệ trẻ, các nhóm nghiên cứu thông qua thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học- công nghệ. Bên cạnh đó đề nghị tạo điều kiện cho cán bộ khoa học trẻ ở các đơn vị được tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu, tạo ra một lực lượng có trình độ cao, trực tiếp nghiên cứu và tham gia công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Thứ ba, mỗi đoàn viên thanh niên cần chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - chìa khóa giúp tiếp cận với những thành tựu công nghệ trên thế giới tích lũy kiến thức trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều phương tiện thông tin khác nhau, chú trọng cập nhật những kiến thức khoa học công nghệ mới, phục vụ hữu ích cho công tác chuyên môn.

Thứ tư, đề nghị lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục quan tâm hoạt động Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo”, tạo môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ nghiên cứu khoa học; coi trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tài năng trẻ; kịp thời biểu dương, có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, chú trọng việc giao lưu, học tập với đơn vị bạn, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức đoàn để đoàn viên thanh niên có thể giao lưu với các trung tâm nghiên cứu khoa học khác trong và ngoài quân đội, giới thiệu những thành tựu của chúng ta để tạo sự tự tin cũng như khẳng định năng lực cho đoàn viên, thanh niên đơn vị mình.

Nguyễn Thanh Hà, Bí thư Đoàn Cơ sở Học viện Viettel:

Chú trọng đào tạo các kỹ năng công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng 4.0

Trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” được Trung ương Đoàn triển khai theo 4 nhóm: Đồng hành trong học tập; Đồng hành trong nghề nghiệp, việc làm; Đồng hành nâng cao sức khỏe thể chất, văn hóa tinh thần; Đồng hành phát triển kỹ năng xã hội, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

leftcenterrightdel
Nguyễn Thanh Hà. Ảnh: Hoàng Hà. 
Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tăng cường hội nhập quốc tế và cùng với Thế giới bước vào cuộc CMCN 4.0. Điều này đặt ra cho tuổi trẻ những cơ hội và thách thức mới, trong đó khởi nghiệp sáng tạo đang là một xu thế lớn.

Cùng với những chủ trương, chính sách ủng hộ của Đảng, Nhà nước, tổ chức Đoàn cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thể hiện ở 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ; Tạo dựng môi trường hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.

Để thực hiện 2 nhiệm vụ đó trong nhiệm kỳ 2017-2022, bên cạnh những giải pháp dự thảo đã nêu trong “Các chương trình đồng hành với thanh niên”, tôi có thêm một số nội dung đề xuất như sau:

Một là, tổ chức Đoàn cần xây dựng ước mơ và tinh thần khởi nghiệp cho mỗi đoàn viên, thanh niên Việt Nam. Ước mơ phải xuất phát từ sở thích và năng lực cá nhân của mỗi người; đồng thời, phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước. Tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội, thế hệ trẻ được yêu cầu “sinh ra một Viettel mới” -  một Viettel toàn cầu hùng mạnh. Bởi vậy, mỗi người đều đặt 1 ý nghĩa lớn lao cho công việc mình làm. Đó cũng là cách để tuổi trẻ Viettel khởi nghiệp ngay trong chính Tập đoàn. Các phong trào, cuộc vận động của tổ chức Đoàn luôn được xác định là làm việc khó, làm mới những điều đã làm, làm tốt hơn những điều đang làm, tiên phong làm trước việc cần làm. Bởi vậy, phong trào hành động cũng đồng thời là một đợt sinh hoạt chính trị, thúc đẩy lý tưởng và tinh thần của thanh niên.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn có thể giúp mỗi người trẻ xây dựng một bản kế hoạch phát triển cá nhân, kèm theo các bộ công cụ trắc nghiệm tâm lý, phân tích năng lực để định hướng lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực và công việc phù hợp. Tổ chức các diễn đàn trao đổi, tạo động lực từ doanh nghiệp, những người có sức ảnh hưởng đối với thanh niên. Trao quyền và tham mưu giao việc khó, đặt ra thử thách với khả năng và sự sáng tạo của người trẻ, sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội để chia sẻ những câu chuyện thành công và tôn vinh những tấm gương tạo động lực.

Hai là, Đoàn thanh niên cần nâng cao vai trò trong tạo dựng môi trường hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, bằng cách tạo dựng môi trường học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục phát huy các hoạt động “Đồng hành với thanh niên trong học tập” và “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. Đặc biệt chú trọng đào tạo các kỹ năng công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng 4.0 như: tiếng Anh, lập trình, giao lưu văn hóa...

Năm 2016, Trung ương Đoàn phát động “Chương trình thanh niên khởi nghiệp” là một tiền đề quan trọng cho việc kết nối các doanh nghiệp, các quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp trong thanh niên. Chương trình này cần được mở rộng hơn nữa bằng cách vận động các doanh nghiệp cho phép nhân viên được khởi nghiệp ngay trong công việc hiện tại; khích lệ các phong trào sáng kiến, ý tưởng; tổ chức các diễn đàn, cuộc thi trải nghiệm thực tế trong thanh niên, sinh viên, có sự tham gia tài trợ, đánh giá của các đơn vị tuyển dụng. Đây là cách để các ý tưởng hay tìm được nguồn đầu tư và là một cầu nối tuyển dụng hiệu quả.

Thượng sĩ Hà Thị Thu Trang, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự:

Phát huy vai trò sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ

Nhận thức rõ vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang tập trung phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, thu hút, tập hợp tuổi trẻ trên cơ sở phát động phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, bao gồm: Sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong công tác, phục vụ nhân dân; sáng tạo trong đời sống sinh hoạt.

Để tiếp tục đẩy mạnh khả năng sáng tạo trong học tập, theo tôi cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên về mục tiêu học tập, khơi dậy nhiệt tình, ham muốn học tập trong mỗi người; đồng thời tích cực, chủ động lên kế hoạch học tập, nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả, phù hợp. Trong thảo luận đòi hỏi sinh viên phải tích cực trình bày quan điểm và tranh luận, ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời, tìm hiểu những vấn đề cơ bản trước. Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào khai thác, tìm kiếm, chia sẻ tài liệu qua internet và đẩy mạnh học tập ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
Thượng sĩ Hà Thị Thu Trang. Ảnh: Hoàng Hà
Cùng với đó cần phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn trong tổ chức các hoạt động, mô hình học tập, như các buổi seminar về phương pháp học tập cho sinh viên, các cuộc vận đông “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi nhằm trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu, thái độ học tập đúng đắn. Tổ chức hội nghị học tập định kỳ hằng năm nhằm tổng hợp, giải đáp khúc mắc cho sinh viên, phát huy sự chủ động, sáng tạo tìm tòi trong học tập.

Về sáng tạo trong nghiên cứu khoa học (NCKH), trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của NCKH đối với đoàn viên, thanh niên, thông qua công tác tuyên truyền, thông tin, thường xuyên trên các bản tin của Đoàn trường, các diễn đàn, hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên… làm cho đoàn viên, thanh niên thấy được tầm quan trọng của NCKH đối với nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển.

Tiếp đó cần thường xuyên tổ chức hội thảo, diễn đàn, trao đổi với chủ đề “Đồng hành cùng sinh viên trong NCKH”. Tại đó sẽ đánh giá hoạt động NCKH trong từng giai đoạn, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp, đồng thời hướng dẫn tham gia NCKH theo quy trình quy định; đề xuất các chế độ khen thưởng kịp thời đối với sinh viên tham gia NCKH, đặc biệt là các sinh viên đạt thành tích, cụ thể như: tặng giấy khen, tiền thưởng, điểm cộng,…

Cuối cùng, các cấp Đoàn, hội cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa qua các chính sách hỗ trợ để đoàn viên, thanh niên khắc phục khó khăn, giữ vững và phát huy niềm đam mê, sáng tạo trong NCKH. Vì sinh viên khi tham gia NCKH phải mất nhiều thời gian, nhiều việc chi phối, đồng thời tốn kém, tuy được hỗ trợ nhưng cũng không nhiều, nên ngại NCKH.

HOÀNG HÀ (thực hiện)