Tại đây, nhiều ý kiến, tham luận đi sâu phân tích âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đề xuất giải pháp giúp thanh niên tăng cường sức đề kháng, miễn dịch với thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Tỉnh táo trước những chiêu trò giăng bẫy

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng Ban TNQĐ, nêu rõ: Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thanh niên là lực lượng sử dụng internet đông đảo, thường xuyên nhất với hơn 80% vào mạng hằng ngày. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội đã triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội (MXH) để tuyên truyền, tán phát những thông tin xấu độc, bóp méo sự thật, tạo tâm lý tò mò và hiệu ứng đám đông. Qua đó kích động giới trẻ trao đổi, thu nhận thông tin, bày tỏ quan điểm cực đoan, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản dẫn đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ, tạo nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

leftcenterrightdel

Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu tại tọa đàm.

Trong tham luận gửi tọa đàm, Trung tá Vũ Văn Tự, Phòng Tuyên truyền cổ động, Cục Tuyên huấn đi sâu nhận diện âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động thanh niên của các thế lực thù địch thời gian gần đây. Cụ thể là thủ đoạn thực hiện live stream trực tiếp để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham gia bình luận trái chiều trên MXH. Thời điểm lực lượng chống phá chọn để live stream thường vào dịp có các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, chúng còn sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của giới trẻ; tán phát ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật thông qua những tiêu đề giật gân, câu khách về các vấn đề dư luận đang quan tâm, dưới các dạng như: Thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm…

Nhiều ý kiến, tham luận tại tọa đàm khẳng định, không thể phủ nhận những lợi ích của internet, MXH, thế nhưng, mặt trái của nó tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông phi chính thống để bủa vây thông tin, đặc biệt tập trung “thả mồi giăng mắc” những thanh niên non nớt chính trị, hoặc kích động các đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan ở trong nước và lưu vong, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ. Đã có những câu chuyện đau lòng về các bạn trẻ “dính bẫy” các thế lực thù địch, phản động trên MXH. Sự nham hiểm ở chỗ, chúng âm thầm thông qua MXH để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chính vì vậy, cần sử dụng MXH thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, không vô tình trở thành những “cái máy nhân bản” thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Tăng cường sức đề kháng, tự miễn dịch

Trên cơ sở phân tích sự nguy hại từ những chiêu trò giăng bẫy thanh niên trên internet, các đại biểu tập trung đề xuất nhiều giải pháp tăng sức đề kháng, tự miễn dịch của thanh niên.

Trung tá Phạm Khoa Nam, Trưởng ban Thanh niên Quân chủng Hải quân nêu kinh nghiệm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn các cấp trong quân chủng đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng tham gia mạng xã hội cho cán bộ, đoàn viên. Tập trung đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đầu tư mua sắm phương tiện nghe nhìn nhằm đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa...

Cùng với làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời giải quyết tư tưởng nảy sinh, Thượng úy Đào Duy Hiệp (Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Trường Sĩ quan Chính trị) cho rằng: Đoàn thanh niên các cấp cần triển khai nhiều phong trào thi đua, chương trình hành động cách mạng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tâm lý và nguyện vọng để lôi cuốn, hấp dẫn thanh niên tham gia. Tăng cường tương tác trên MXH với thanh niên, chia sẻ những thông tin tích cực, câu chuyện hay, việc làm tốt để tạo sức lan tỏa rộng rãi.

Bên cạnh những giải pháp về sự quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, kịp thời định hướng nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, tổ chức đoàn các cấp, các ý kiến tham luận tại tọa đàm đã nhấn mạnh tinh thần chủ động, trách nhiệm của TNQĐ trong việc nâng cao sức đề kháng, tự miễn dịch với những thông tin xấu độc trên không gian mạng. Để làm được điều đó, mỗi thanh niên cần phải biết sử dụng internet, MXH một cách thông thái; tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị...

Bài và ảnh: KHÁNH MINH