Năm 1930, Y Pan được sinh ra tại tỉnh Attapeu (Lào), đến năm 4 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ và được một đơn vị cách mạng của Việt Nam bao bọc, nuôi dưỡng. Lớn lên trong tình yêu thương của bộ đội, cả cuộc đời của Y Pan đều một lòng theo Đảng, trở thành nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất.

Ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, nữ chiến sĩ cách mạng ở chiến trường Tây Nguyên lại quay trở về làng Đăk Mế với vai trò nữ già làng, người có uy tín đầu tiên của người Brâu (1 trong 16 dân tộc ít người nhất Việt Nam).

Trong suốt 48 năm qua, già Y Pan đã trở thành cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy Đảng và đồng bào Brâu, có những đóng góp thiết thực phong trào đại đoàn kết dân tộc, vận động đồng bào tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

leftcenterrightdel

Già Y Pan - nữ già làng đầu tiên của đồng bào Brâu. 

Đưa chữ Bác Hồ về với làng Đăk Mế

Từ lời kể của già Y Pan, người Brâu luôn đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nên đồng bào sẽ tập trung sinh sống ở cùng một nơi. Theo đó, ngôi làng của người Brâu có kiến trúc trong vuông, ngoài tròn, lấy nhà rông (một mẹ 2 con) làm trung tâm, các gia đình được bố trí xung quanh. Năm 1991, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi làng nằm bên bờ suối, có 14/22 nóc nhà bị thiêu rụi hoàn toàn.

Sau vụ hỏa hoạn, được Nhà nước kịp thời quan tâm và hỗ trợ, đồng bào Brâu nhanh chóng chuyển về nơi ở mới, giữ nguyên lối kiến trúc ban đầu và được đổi tên thành làng Đăk Mế. Trong tiếng của đồng bào Brâu, “Đăk” nghĩa là nước, “Mế” tức là Bác Hồ, “Đăk Mế” được hiểu là nơi có nguồn nước Bác Hồ. Dù đã về nơi ở mới nhưng đời sống của đồng bào Brâu vẫn còn đói nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đạt trên 90%.

Nhìn lại những ngày tháng gian khổ đưa chữ Bác Hồ về làng Đăk Mế khi ấy, Già Y Pan cho hay, muốn tháo bỏ nút thắt nghèo đói thì điều quan trọng nhất chính là ưu tiên xóa mù chữ. Có được con chữ, già nói gì đồng bào Brâu cũng dễ hiểu, những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng được thông suốt. Cùng với cấp ủy Đảng, cán bộ Đồn biên phòng, già Y Pan đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ con chữ đến từng nóc nhà đồng bào Brâu ở làng Đăk Mế.

Biết ơn của già Y Pan, Nàng Sương từ một người chỉ biết đếm viên gạch khi trao đổi buôn bán nông sản trong vườn đã biết tính nhẩm, biết đọc thành thạo. Nỗi sợ của Nàng Sương cũng giống như bao người ở làng Đăk Mế khi ấy, rào cản tâm lý khiến họ rụt rè trong việc học con chữ. Nàng Sương kể, trước khi thẩm thấu được từng con chữ vào mình, cô chẳng biết đọc cũng chẳng biết viết. Có con gà, con lợn mang đi bán cũng bị kẻ xấu lừa hết vì nỗi khổ “mù chữ”.

leftcenterrightdel
Già Y Pan trao đổi thông tin cùng Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Nam, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum).

Nhờ có già Y Pan, trẻ con trong làng Đăk Mế được đến trường và tiếp tục học lên cao ngày một nhiều. Đến nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được ra lớp, không có tình trạng bỏ học giữa chừng, tỉ lệ học đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, một số em đã trở thành cán bộ tiêu biểu như: Nàng Xô Vi (đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum), Nàng Len (Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum), Thao Phước (công chức địa chính xã Pờ Y), Thao BRắt (Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024)... Đời sống kinh tế cũng dần được cải thiện, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Brâu chỉ chiếm 0,09% (11/118 hộ nghèo) so với tổng số hộ nghèo của toàn xã.

Già Y Pan nhấn mạnh: “Nhờ có con chữ của Bác Hồ, có sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước với đồng bào Brâu, “sợi dây” đói nghèo đã không còn cột chặt và bào mòn cuộc sống của đồng bào. Con chữ Bác Hồ chính là tài sản quý báu, thắp sáng lên hy vọng về ngày mai tươi đẹp cho cả buôn làng Đăk Mế”.

Tất cả vì đồng bào Brâu ruột thịt

Khi đã đưa con chữ về với làng Đăk Mế, già Y Pan có vai trò quan trọng trong việc triển khai cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” của tỉnh Kon Tum triển khai.

Già Y Pan đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động đồng bào xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chi tiêu hợp lý, tích lũy để có vốn đầu tư mở rộng trồng trọt, chăn nuôi. Một trong những gia đình tiêu biểu phải kể đến ông Thao La, theo lời động viên của già Y Pan, ông mạnh dạn cải tạo vườn tạp bỏ hoang thành vườn cây ăn quả, vay vốn từ các nguồn chính sách ưu đãi để nuôi bò, nuôi heo, trồng thêm 1ha lúa ST24… nhờ đó mà thu nhập sau thu hoạch đạt 100 triệu đồng/năm.

leftcenterrightdel
 Những bằng khen tiêu biểu của già Y Pan.

Bên cạnh việc giúp đồng bào Brâu vươn lên thoát nghèo từ chính đôi bàn tay của mình, già Y Pan cũng là người đứng ra vận động bà con hồi sinh đồng bào mình trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Bởi lẽ, cả làng Đăk Mế khi ấy chỉ vỏn vẹn khoảng gần 300 người cùng sinh sống.

Ngược thời gian khoảng 10 năm về trước, người Brâu phải sang Lào để mua trang phục truyền thống (nguồn gốc của người Brâu ở Lào) thì nay, với sự giúp đỡ từ chính sách ưu đãi của các cấp, bà con đã tự dệt được trang phục truyền thống của dân tộc mình. Già Y Pan đã tổ chức được 4 lớp dệt thổ cẩm ngay tại nhà rông của thôn, góp phần phục hồi và nhân rộng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bước sang tuổi 93, già Y Pan đã làm già làng, người có uy tín gần 5 thập kỷ. Trưởng thành từ chiến trường mưa bom lửa đạn, già còn từng là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004-2009), khóa VII (2009-2014), nhiều lần là gương điển hình tiên tiến cấp trung ương đến địa phương.

leftcenterrightdel
Già Y Pan (thứ 5 từ trái qua) tại Đại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9-2009).

Không chỉ dừng ở lời nói mà xuất phát từ hành động cụ thể, già Y Pan tựa như “ngọn đuốc soi đường” cho đồng bào Brâu giữa đại ngàn Tây Nguyên, luôn lấy việc giúp đồng bào là niềm hạnh phúc. Có thể thấy, già Y Pan đã trở thành tấm gương sáng để đồng bào Brâu noi theo, bảo vệ vững chắc mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Nhìn nhận về những cống hiến của già Y Pan, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y Nguyễn Tài Thu cho hay, bằng vai trò của mình, già Y Pan đã truyền lửa tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Brâu, vận động bà con phát triển kinh tế, đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch; bảo đảm sự bình yên cho buôn làng. Trong thời gian tới, xã Pờ Y sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai có hiệu quả các chính sách cho người có uy tín; chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.