Mới đây, tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu). Hoạt động này nhằm truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống, góp phần phát triển văn hóa, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay khi lớp tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống được mở đã có 63 học viên tham gia lớp học. Các học viên được nghệ nhân truyền dạy quy trình, kỹ năng tạo hình dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm như: Xe chỉ, quay tơ, giăng sợi, cách thực hành trên khung dệt...

leftcenterrightdel

Một hộ gia đình đồng bào Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) còn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Với đồng bào Chăm ở An Giang, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng. Nguyên liệu để dệt là tơ sợi nhuộm bằng màu tự nhiên từ mủ cây, vỏ cây và trái cây, làm cho màu sắc trên sản phẩm rất đặc biệt và bền; các hoa văn đều có ý tưởng sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại... Nhờ đó, sản phẩm dệt thổ cẩm vừa có sự mềm mại từ chất liệu, cuốn hút bởi dáng vẻ duyên dáng kết hợp tinh xảo với cách phối màu tơ đến kỹ thuật dệt, bố cục tổng thể, tạo hình hoa văn... đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm. 

Nghệ nhân Mohamad, chủ một cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Châu Phong, người trực tiếp hướng dẫn lớp học cho biết: “Xưa kia, mỗi gia đình người Chăm đều có ít nhất một khung dệt trong nhà, nghề dệt trở thành công việc mà người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Các bé gái từ 10 tuổi đã được người lớn truyền lại các thao tác cơ bản của nghề dệt. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Chăm đều đã thành thạo, nhuần nhuyễn với nghề, trở thành những người thợ dệt chuyên nghiệp của làng...”.

Việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm tại An Giang là dịp để các nghệ nhân, học viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề thủ công truyền thống. Từ đó có giải pháp khoa học, đồng bộ trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Với những nét văn hóa độc đáo, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bài và ảnh: LAN ANH

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.