Theo đó, Nghị quyết số 08-NQ/TU về “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Kon Tum được tích hợp, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025; đã trở thành động lực quan trọng đối với các địa phương, từ đó tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo tồn giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Các cấp ủy Đảng và nhân dân tỉnh Kon Tum đều nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ “khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa” đối với 9 nghề truyền thống bao gồm: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ.

leftcenterrightdel

Du khách trong và ngoài nước khi tới Kon Tum đều có thể tự mình trải nghiệm cách dệt thổ cẩm truyền thống. 

Từng bước khôi phục từ các chính sách ưu tiên

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Mỗi dân tộc lại có một bí quyết dệt thổ cẩm cho riêng mình, đây cũng là một trong những thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang được phát huy, bảo tồn rất tốt ở hầu hết các bản, làng.

Có niềm đam mê với nghề dệt từ nhỏ, chị Y Thoai (Chủ nhiệm tổ hợp tác dệt thổ cẩm Tây Nguyên làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) đã biết dệt thành thạo nhiều loại hoa văn của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn. Cơ sở dệt của chị Thoai không chỉ truyền dạy nghề cho lớp trẻ mà còn là điểm đến quen thuộc của khách du lịch. Các sản phẩm không chỉ theo lối truyền thống mà được cải biến, cách tân với nhiều mẫu mã đẹp mắt, đa dạng, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng. 

Chị Thoai chia sẻ, nếu chỉ tự mình làm ra sản phẩm mà không truyền dạy các cách thêu hoa văn thì sớm muộn nghề dệt cũng bị mai một. Ý tưởng truyền dạy nghề dệt cho thiếu nữ cũng nhờ đó được nảy sinh; các em khi tham gia học sẽ được chú trọng cả về lý thuyết cũng như thực hành về cách dệt hoa văn trên trang phục của dân tộc mình. 

Cùng với nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát đã và đang được đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ và phát huy. Bà Y Mưk (làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cho hay, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của các hàng hóa hiện đại cộng thêm giá thành của sản phẩm truyền thống cao, thiếu đầu ra sản phẩm… đã dẫn tới lớp trẻ không mặn mà với nghề truyền thống này.

leftcenterrightdel
  Bà Y Mưk nỗ lực gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người Ba Na.

Dẫu chân tay không nhanh nhẹn nhưng của bà Y Mưk vẫn còn rất khéo, vót le và đan lát rất nhanh. Theo bà Y Mưk, đan lát không chỉ là một nghề thủ công cha truyền con nối mà còn là nét văn hóa không thể mai một. Không chịu tụt lùi với xu thế của thời đại, qua đôi bàn tay khéo léo, bà Y Mưk đã tạo ra chiếc gùi cách điệu, mô hình nhà rông thu nhỏ… mang dấu ấn của dân tộc Ba Na. Trong thời gian tới, bà Y Mưk sẽ cùng với chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã đan lát nghề thủ công, mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho lớp trẻ.

Ưu tiên tạo nguồn kế cận nghề truyền thống

Thực tế đã cho thấy, việc “già hóa” nguồn nhân lực là những người nắm rõ, hiểu biết ngọn ngành nghề truyền thống là điều không thể tránh khỏi. Các địa phương tại tỉnh Kon Tum đều đang rất nỗ lực để “đãi cát tìm vàng”, nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận để gìn giữ được nghề truyền thống. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Trưởng phòng chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho hay, trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ luôn xác định công tác phát huy nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Với tổng kinh phí khoảng 23,5 tỷ đồng từ Nghị quyết số 08-NQ/TU về “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Kon Tum là cơ sở quan trọng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của các nghề truyền thống. Trước đó, vào năm 2017, tỉnh Kon Tum cũng triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. 

Mục tiêu cốt lõi vẫn là bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Ngoài ra, tỉnh cũng được hỗ trợ rất lớn từ Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình 1719.

leftcenterrightdel
Chính sách, nguồn lực đã trở thành nguồn hỗ trợ to lớn tìm ra thế hệ kế cận các nghề truyền thống của tỉnh Kon Tum.

Chính nhờ nguồn lực hiệu quả từ các chương trình, dự án đã làm số người biết làm nghề truyền thống tăng hơn 5 lần (từ 2.220 người lên 12.170 người). Trong đó, nghề dệt thổ cẩm tăng từ 312 người lên 1.046 người, hơn 350 bộ khung dệt được hỗ trợ đến từng hộ gia đình; nghề đan lát từ 570 người lên 1.747 người; nghề rèn từ 116 người tăng lên 408 người; nghề làm rượu cần từ 984 người lên 8.464 người; chế tác nhạc cụ từ 124 người lên 164 người; tạc tượng từ 39 người lên 44 người; chế tác nỏ từ 53 người lên 266 người; nghề đẽo thuyền độc mộc từ 19 người tăng lên 29 người.

Có thể thấy, sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống. Song song với đó, đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đây là cơ sở, động lực quan trọng để các cấp ngành địa phương tiếp tục phát huy đẩy mạnh công tác truyền dạy, gìn giữ nghề truyền thống.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan