Kon Tum là tỉnh miền núi ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài hơn 292km tiếp giáp với cả nước bạn Lào và Campuchia. Toàn tỉnh có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 54% và nhiều vùng DTTS còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, vùng DTTS tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, đời sống của đồng bào không ngừng được nâng lên, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của LLVT tỉnh Kon Tum trong tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Không để đất nghỉ

Anh A Hnáo ở làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phấn khởi vì đầu năm 2023, gia đình anh được chính quyền địa phương và LLVT huyện Sa Thầy hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây sầu riêng với diện tích hơn 2ha. Theo anh A Hnáo, từ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đến những công việc cụ thể như: Đào hố, làm đất, đường ống dẫn nước và mua cây giống, phân bón đều được chính quyền, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Sa Thầy hướng dẫn, hỗ trợ. Hiện hơn 450 cây sầu riêng của gia đình anh đang phát triển tốt và nếu trái sầu riêng vẫn giữ được giá như hiện nay thì hứa hẹn chỉ vài năm nữa anh có thể thu hơn 2 tỷ đồng/vụ.

leftcenterrightdel

 Cán bộ Ban CHQS huyện Sa Thầy trao đổi kỹ thuật trồng cây sầu riêng với nhân dân, tháng 10-2023.

“Khi cán bộ xã, huyện cùng các anh bộ đội về tuyên truyền, vận động trồng cây sầu riêng, tôi cũng lo lắm, vì gia đình không có kinh nghiệm và nhân lực để làm. Nhưng rồi các anh ở Ban CHQS huyện Sa Thầy nói, cán bộ khuyến nông của huyện sẽ hướng dẫn kỹ thuật, bộ đội và dân quân hỗ trợ ngày công, cái chính là gia đình phải có quyết tâm thay đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao để vươn lên làm giàu. Tôi mừng lắm và đồng ý làm mô hình sầu riêng. Mà không chỉ có gia đình tôi đâu, trong xã Ya Xiêr có nhiều hộ đồng bào DTTS được chính quyền và bộ đội giúp chuyển đổi từ đất trồng cây mì sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”, anh A Hnáo cho hay.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Công Phú, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Sa Thầy, chúng tôi được biết, đồng bào DTTS của huyện Sa Thầy chiếm đến 57% và nhiều vùng còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy tin tưởng giao cho LLVT phụ trách nhiều địa bàn trọng điểm, khó khăn ở các xã Ya Xiêr, Sa Nghĩa, Hơ Moong...

Với tinh thần giúp dân là tự giúp mình, LLVT huyện Sa Thầy đã triển khai nhiều cách làm hay, hiệu quả như: Tổ chức kết nghĩa, huy động các nguồn lực, trao cây giống, con giống, phân bón tặng đồng bào ở các làng đặc biệt khó khăn; ngoài các đợt huấn luyện kết hợp với làm công tác dân vận, Ban CHQS huyện Sa Thầy còn triển khai “Ngày thứ bảy, chủ nhật về với nhân dân”; nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Theo đồng chí Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), dân số của xã có trên 90% người DTTS với 11km đường biên tiếp giáp với Campuchia. Trước đây, trình độ canh tác của bà con còn lạc hậu, chủ yếu là dựa vào điều kiện tự nhiên và còn có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều gia đình để lãng phí tài nguyên đất và không chú trọng vào chăn nuôi.

Để thay đổi thực trạng này, với phương châm “Không để cho đất nghỉ”, xã Rờ Kơi đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc, giúp hàng trăm gia đình cải tạo vườn tạp để trồng rau và các loại cây ăn quả, xây dựng mô hình trồng cây sầu riêng, mắc ca với hơn 80ha; nuôi bò sinh sản; heo bản địa... Trong đó, các đơn vị Quân đội và dân quân là lực lượng xung kích trong tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân ngày công.    

Lực lượng xung kích giúp dân thoát nghèo

Khảo sát nhiều vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chúng tôi ghi nhận cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, phấn khởi vì có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách đặc thù đúng đắn, kịp thời. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương đều có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và LLVT. Nhờ đó, nhiều vùng DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện.

Chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, toàn tỉnh Kon Tum đã có 51,12% hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, không trông chờ, ỷ lại; 56,7% hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tích lũy vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, có 3.583 hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và đến cuối năm 2022 đã có 6.115/15.215 hộ thoát nghèo và 2.149/8.857 hộ thoát cận nghèo...

Già làng A Dót ở làng Rắc vui mừng nói: “Ngày xưa, bộ đội, dân quân là lực lượng nòng cốt giúp dân đánh giặc, giữ làng, bây giờ thì bộ đội lại là lực lượng xung kích tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế. Trong làng không còn việc tổ chức đám ma, đám cưới nhiều ngày, ăn uống tốn kém nữa; bà con biết tiết kiệm chi tiêu, biết chọn những cây giống, con giống phù hợp để trồng trọt, chăn nuôi... Ở mặt trận nào thì quân với dân đều chung một ý chí”.         

Đồng chí Phạm Thị Sáu, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ya Xiêr tâm đắc cho rằng: “Bộ đội giúp đồng bào DTTS thoát nghèo là một việc làm đạt được nhiều kết quả cả về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội. Đặc biệt là niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững”.

Nói về hiệu quả giúp dân thoát nghèo, Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum. Trong đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT tỉnh Kon Tum đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình xác định rõ từng nhiệm vụ, từng phần việc cụ thể để giúp nhân dân.

Bên cạnh phối hợp, hỗ trợ các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; triển khai các mô hình phát triển kinh tế; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, LLVT tỉnh tập trung xây dựng mô hình, tổ chức làm mẫu, rồi hướng dẫn đồng bào làm theo như: Xóa vườn tạp, trồng rau xanh, cây ăn quả; xây dựng các khu dân cư, tuyến đường tự quản; không chăn nuôi gia súc gần nhà ở; nhận đỡ đầu các em học sinh khó khăn; huy động các nguồn vốn, mạnh thường quân tặng bà con cây giống, con giống...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.