Triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình 1719, tại Trà Vinh đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống... Thực hiện kế hoạch giải ngân năm 2023 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã giải ngân cho 674 hộ vay vốn với số tiền hơn 27 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ đến nay lên hơn 47 tỷ đồng với 1.036 hộ vay vốn.

leftcenterrightdel

Người dân ấp Đôn Chụm A, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) chăm sóc vườn cây chuyên canh được xây dựng từ vốn vay ưu đãi.

Ông Thạch Nao, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đôn Chụm A, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú cho biết: “Ấp có hơn 90% số hộ là đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 4%. Nguồn vốn vay tín dụng đã giúp các gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo”. Đơn cử như gia đình chị Danh Thị Mỹ Thy ở ấp Đôn Chụm A. Trước đây, gia đình chị Thy có hoàn cảnh rất khó khăn, không có vốn để sản xuất. Năm 2021, nhờ được phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú cho vay 50 triệu đồng, chị Thy đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản và trồng cây màu chuyên canh.

Từ sự nỗ lực của bản thân, đồng thời được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Sơn, đàn bò của gia đình chị Thy ngày càng phát triển. Bên cạnh việc chăn nuôi và trồng màu, đầu năm 2023, chị Thy còn được vay thêm 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi thì không biết đến bao giờ, gia đình tôi mới có thể vươn lên. Tôi nhận thấy chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân”.

Gia đình anh Kim Sa Rây ở ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cũng như nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo ở địa phương cũng được vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2021, anh Rây được bình xét tạo điều kiện vay 40 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để chuyển đổi nghề nuôi dê. Sau hai năm, đàn dê đã sinh sản được 10 con. Nhờ vốn ưu đãi mà đến nay, gia đình anh Rây đã ổn định, có nguồn thu nhập khá ổn định từ nuôi dê. Anh Kim Sa Rây cho biết: “Nguồn vốn vay tín dụng thật sự là “phao cứu sinh” cho gia đình tôi. Trước đây, tôi không có đất sản xuất, lại đông con, không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Từ khi được tổ tiết kiệm vay vốn bình xét, ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, tôi tập trung vào chăn nuôi dê, dần dần cũng có lãi nên cuộc sống đã cải thiện hơn”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện Chương trình 1719, qua rà soát, nhu cầu vốn vay tín dụng thực hiện trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 của Trà Vinh là hơn 271 tỷ đồng, tập trung vào 3 dự án trọng tâm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch... 

Bài, ảnh: KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.