Về hành trình “chinh phục” từng tiêu chí trong xây dựng NTM, đồng chí Phạm Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Buôn Triết cho biết: “Là xã thuần nông với cây trồng chủ lực là lúa nước nên so với những vùng đất chuyên canh cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... thì Buôn Triết thuộc diện chậm phát triển, thu nhập bình quân trên diện tích đất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện nay, toàn xã có 2.109 hộ với 7.400 nhân khẩu, trong đó đồng bào M’nông, Ê Đê chiếm 25%; tỷ lệ hộ nghèo còn 17,26%. Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế-xã hội của xã đã có sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng NTM”.

leftcenterrightdel

 Cán bộ buôn Ja Tu, xã Buôn Triết hướng dẫn gia đình anh Y Ngôn H’Mok chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Quá trình xây dựng NTM, xã Buôn Triết có xuất phát điểm thấp. Năm 2012, khi khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Buôn Triết mới đạt 4 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; y tế; điện; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Thời điểm đó, 4/4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; hạ tầng giao thông nông thôn thấp kém, cơ sở vật chất giáo dục và văn hóa còn nhiều thiếu thốn.

Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Đắk Lắk trong hơn 11 năm qua, bộ mặt nông thôn xã Buôn Triết đổi thay nhanh chóng, nhất là về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, môi trường và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ năm 2012 đến 2023, xã Buôn Triết được đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có những công trình trọng điểm, như: Đập thủy lợi hồ chứa nước Buôn Triết; tỉnh lộ 7; đê bao Đắk Liêng-Buôn Tría-Buôn Triết...

Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nên Buôn Triết từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai. Đến nay, toàn xã đã hình thành vùng chuyên canh lúa hai vụ với diện tích 2.226ha (chiếm 1/3 diện tích lúa nước của huyện Lắk). Lúa nước của Buôn Triết đạt năng suất, chất lượng cao nhất tỉnh Đắk Lắk, bình quân 12 tấn/ha/vụ. Trên địa bàn xã đã hình thành các hợp tác xã sản xuất lúa gạo chất lượng cao có thương hiệu và đạt chứng nhận VietGAP là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất và Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải. Từ cánh đồng lúa nước hai vụ, Buôn Triết còn tận dụng lợi thế để phát triển đàn vịt lấy trứng lên đến hơn 80.000 con và hình thành nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn... 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, cho biết: “Những năm gần đây, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Buôn Triết đã phát triển được 558ha cà phê và 300ha cây ăn trái. Trong đó, cây sầu riêng được xác định là cây trồng chính khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn xã hiện có 100ha, dự kiến năm 2023 sẽ cho thu hoạch 100 tấn quả, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Từ chỗ khai thác lợi thế tiềm năng đất đai và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, xã Buôn Triết đã đạt tiêu chí về “thu nhập” trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Theo đó, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, năm 2023 ước đạt 41 triệu đồng và năm 2025 phấn đấu đạt 48 triệu đồng/người/năm”.

Từ thực tế cho thấy, sự đóng góp tích cực của nhân dân về kinh phí, đất đai, công lao động đã tạo nguồn lực to lớn để Buôn Triết về đích NTM. Tại tất cả 8 thôn trong xã, các hộ dân đều đồng thuận góp tiền của, công sức đầu tư xây dựng 8 nhà văn hóa thôn với kinh phí 3 tỷ đồng/nhà, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40-50 triệu đồng/nhà. Theo tính toán, bình quân mỗi năm, người dân xã Buôn Triết đóng góp ngày công và hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn trị giá lên đến 2 tỷ đồng.

Điển hình trong huy động sức dân có thể kể đến như 129 hộ xã viên Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải đã đóng góp hơn 300 triệu đồng xây dựng đường giao thông nội đồng. Đầu năm 2023, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thải Hải trở thành hợp tác xã đầu tiên của huyện Lắk thành lập chi bộ đảng với 9 đảng viên. Việc thành lập chi bộ đảng trong hợp tác xã là điều kiện thuận lợi để Buôn Triết củng cố vững chắc tiêu chí “hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật” khi chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM nâng cao.

Đến thời điểm hiện nay, xã Buôn Triết đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Trường học; cơ sở vật chất văn hóa; hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm. Trong hành trình hoàn thành những tiêu chí chưa đạt, xã Buôn Triết xác định tiêu chí “hộ nghèo” là khó khăn nhất. Năm 2023 và 2024, Buôn Triết đưa ra quyết tâm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo. Trong đó, năm 2023, phấn đấu giảm 12% hộ nghèo để đến cuối năm 2024 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và năm 2025 về đích NTM.

Bài và ảnh: ĐỊNH THỦY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.