QĐND - Mấy năm nay, đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở xã Buôn Triết, huyện Lăk (Đắc Lắc) cùng nhau tìm tòi, áp dụng các mô hình sản xuất mới giúp nhiều hộ thanh niên nghèo ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Ao cá của gia đình anh Phạm Văn Bằng

Ở Buôn Triết, có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi, trồng trọt nên các mô hình kinh tế như: Ao cá thanh niên, ruộng lúa thanh niên, tổ góp vốn thanh niên… hoạt động rất hiệu quả. Nó còn là cầu nối quan trọng giữa tổ chức đoàn, hội với ĐVTN trong xã.

Phong trào giúp nhau làm kinh tế ở Đoàn xã Buôn Triết được các ĐVTN tiến hành thực hiện bằng nhiều biện pháp rất đa dạng. Họ giúp nhau vốn: Cho mượn tiền mua cây, con giống không lấy lãi, hoặc vần đổi công giúp nhau thu hoạch mùa, xây dựng nhà cửa, phòng, chống lũ lụt… Nhưng hoạt động có hiệu quả nhất phải kể tới là tổ góp vốn thanh niên giúp nhau phát triển kinh kế, với mức đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng/năm, đến nay, trên địa bàn xã Buôn Triết, các hộ thanh niên đã lập được 3 tổ góp vốn với số tiền gần 100 triệu đồng. Số vốn này được các tổ bình xét cho các hộ khó khăn nhất vay trước. Nhờ số vốn này, 15 hộ thanh niên khó khăn nhất của 3 tổ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu với mức thu nhập hằng năm từ 50 đến 100 triệu đồng. Anh Hoàng Công Điệp, Tổ trưởng Tổ góp vốn buôn Tung 1 chia sẻ: “Tổ góp vốn chúng tôi như ngân hàng thu nhỏ mà ở đó không có ai bị thiệt, mỗi năm chỉ cần góp 2 triệu đồng mà được vay tới 20 triệu đồng không phải trả lãi nên ai cũng nhiệt tình tham gia”.

Ban chấp hành Đoàn xã đã thường xuyên tuyên truyền cho thanh niên ý thức thoát nghèo qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, thăm dò nhu cầu của thanh niên về nghề nghiệp và việc làm, từ đó phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho họ. Tại các buổi sinh hoạt, những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế lại chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, để từ đó đoàn viên có thể áp dụng vào điều kiện của gia đình mình. Đến thăm mô hình vườn - ao của gia đình anh Phạm Văn Bằng ở buôn Tung 1 có lẽ ai cũng phải trầm trồ khen ngợi nghị lực vượt khó làm giàu của anh. Vào Đắc Lắc lập nghiệp năm 1998, từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh đã có 3ha đất đồi trồng điều, cà phê, hơn hai héc-ta trồng lúa nước và một ao cá rộng hơn hai héc-ta, hằng năm cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Anh Bằng chia sẻ: “Nhờ tổ góp vốn thanh niên góp sức, góp của, gia đình tôi mới có được thành quả như hôm nay”.

Trên địa bàn xã Buôn Triết có nhiều gương điển hình thanh niên sản xuất giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh khuyến khích ĐVTN tham gia vào các tổ góp vốn, Đoàn xã đã đứng ra vay tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để thanh niên có vốn mở rộng quy mô sản xuất. Toàn xã có hơn 1000 ĐVTN, trong đó, hơn 60% số hộ có mức thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.

Bài và ảnh: Tuấn Anh