Theo tờ The Japan Times, thông tin trên được Thủ tướng Ishiba Shigeru đưa ra tại cuộc gặp mới đây với giới chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Cuộc gặp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani, Tham mưu trưởng Liên quân Yoshihide Yoshida cùng các chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF), Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) và Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF).
Kyodo News cho biết, gặp gỡ giới chức cấp cao của SDF là một hoạt động được các đời Thủ tướng Nhật Bản duy trì thường niên kể từ năm 1964 đến 2019. Hồi năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động này đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Cuộc gặp của Thủ tướng Ishiba Shigeru diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng đánh dấu lần đầu tiên trong gần 6 năm qua, một Thủ tướng Nhật Bản có cuộc gặp trực tiếp với giới chức cao cấp của SDF.
 |
Thủ tướng Ishiba Shigeru duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng khi tới tham dự cuộc làm việc với giới chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Ảnh: Kyodo News
|
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Ishiba Shigeru đánh giá môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản "ngày càng căng thẳng và phức tạp". "Cách thức tác chiến liên tục thay đổi khi công nghệ phát triển", Thủ tướng Ishiba Shigeru nhấn mạnh. Vì vậy, Thủ tướng Ishiba Shigeru cho rằng Nhật Bản cần tiếp tục theo đuổi việc "tăng cường cơ bản" tiềm lực quốc phòng. Trên cương vị Tổng tư lệnh SDF, Thủ tướng Ishiba Shigeru nêu rõ việc nâng cao tiềm lực quốc phòng sẽ được thực hiện phù hợp với các văn kiện chiến lược của Nhật Bản, trong đó có Chiến lược An ninh quốc gia.
Kyodo News cho biết Thủ tướng Ishiba Shigeru đã trao đổi về một số vấn đề then chốt mà SDF đang phải đối mặt. Hồi tháng 5 năm nay, Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi luật nhằm ngăn chặn sự giảm sút về nguồn nhân lực tuyển dụng cho SDF, trong đó có việc cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Theo tờ The Asahi Shimbun, đây được xem là một ưu tiên của Chính phủ Thủ tướng Ishiba Shigeru.
Trong một tài liệu được công bố mới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định cộng đồng quốc tế đã bước vào "kỷ nguyên khủng hoảng mới" và đang đối mặt với phép thử an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi một cách mạnh mẽ, phơi bày rõ sự cạnh tranh giữa các quốc gia, nhất là cạnh tranh giữa các cường quốc. Việc đơn phương hoặc mưu toan thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự thế giới hiện nay. Tình hình an ninh của các khu vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và các diễn biến xảy ra ở một khu vực có thể ảnh hưởng "nhiều tầng nấc" đến tình hình an ninh của các khu vực khác. Các động thái an ninh của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tác động lớn đến sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, các Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản nhiều lần đề cập 3 cách tiếp cận để người dân được sống trong an toàn và đất nước mặt trời mọc tiếp tục phát triển thịnh vượng. Thứ nhất, nâng cao tiềm lực quốc phòng thông qua đầu tư mạnh mẽ cho quốc phòng. Kyodo News cho biết, Nhật Bản hiện đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng và các khoản chi liên quan lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa 2027.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chủ trương tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp hòa bình về việc "duy trì chính sách chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không trở thành một cường quốc quân sự đe dọa các quốc gia khác" cùng 3 nguyên tắc phi hạt nhân, gồm: Không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân tồn tại trên lãnh thổ. Thứ hai, mối quan hệ với Mỹ-cường quốc quân sự số một thế giới và là đồng minh duy nhất của Nhật Bản-đóng vai trò "trụ cột then chốt" trong chính sách an ninh quốc gia của Tokyo. Nhật Bản tuyên bố chia sẻ với Mỹ các giá trị cơ bản và lợi ích trong duy trì hòa bình, an ninh thế giới, đồng thời hai nước có mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ. Thứ ba, Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của việc làm sâu sắc hợp tác quốc phòng "càng nhiều càng tốt" với các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị phổ quát và lợi ích chiến lược. Theo tờ The Asahi Shimbun, Nhật Bản xem việc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia "cùng chung chí hướng" là nhằm ứng phó với "cơn bão tiềm tàng".
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.