Chuyển biến rõ nét tại Bộ phận một cửa

7 tháng của năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố Hà Nội được cải thiện và nâng cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC.

Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%. Toàn thành phố đã có 156/175 phường (đạt tỷ lệ 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hầu hết được trả kết quả ngay, được nhân dân đánh giá cao.

Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã thành nền nếp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Ảnh minh họa: internet

Đến làm TTHC tại Bộ phận một cửa (BPMC) huyện Thanh Oai, anh Trấn Tuấn Anh (xã Kim Bài) cho biết: Nếu như trước kia, tôi phải liên hệ nhiều nơi và chờ đợi rất lâu mới giải quyết xong việc cấp chứng nhận liên quan tới đất đai để làm thủ tục kinh doanh thì giờ với mô hình một cửa, người dân được hướng dẫn và giải quyết hồ sơ nhanh gọn, không bị phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức đi lại. Đối với những người làm kinh doanh, đây là một sự hỗ trợ rất đáng ghi nhận từ phía chính quyền".

Trên thực tế, 2 năm trở lại đây, chỉ số CCHC của huyện Thanh Oai đã đạt bước tiến rõ rệt khi vươn từ vị trí thứ 28 năm 2019 lên thứ 17 năm 2020 và tăng hạng lên thứ 15 trong số 30 quận, huyện, thị xã năm 2021. Theo ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai, công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC được thực hiện đúng theo quy định; các xã, thị trấn thực hiện đầy đủ việc mở sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, ghi chép thông tin, ghi phiếu hẹn, các TTHC được niêm yết công khai, rõ ràng và minh bạch.

Đáng chú ý, Thanh Oai đã xây dựng các bộ chỉ số tương đương về nâng cao năng lực cạnh tranh, đo lường CCHC tới các cấp cơ sở. Nhờ đó, năm 2021, 100% hồ sơ TTHC mà BPMC của huyện tiếp nhận đều giải quyết đúng hẹn, trước hẹn, đúng pháp luật. Thông qua phiếu đánh giá, hơn 99% người dân đến công sở giải quyết TTHC bày tỏ “hài lòng” và “rất hài lòng”.

Năm 2022, huyện Thanh Oai nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện 3 chỉ số quan trọng, gồm: Cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan Nhà nước (SIPAS).

Đặc biệt, để nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, UBND huyện đã giao Đoàn Thanh niên huyện khẩn trương thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số.

Nhiều mô hình sáng tạo

Để góp phần nâng cao “điểm số” CCHC, các quận, huyện cho tới xã, phường đang không ngừng nỗ lực, sáng tạo nên các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình tại quận Hà Đông đã đưa vào vận hành hệ thống nhận diện khuôn mặt trong lấy số, thay thế việc xếp hàng lấy phiếu theo công nghệ cũ tại BPMC. Điểm khác biệt là công dân không cần chạm vào máy để lấy số thứ tự, chỉ cần đứng trước máy chọn lĩnh vực là tự động nhận diện khuôn mặt và dữ liệu của giao dịch được lưu trữ. Các thông tin căn cước công dân, dữ liệu công dân được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu (CSDL) khách hàng để quản lý thông tin người giao dịch. Hệ thống cũng tự động nhận diện thông tin ở lần giao dịch sau, giúp việc giao dịch của công dân nhanh hơn.

Sáng kiến “5 TTHC không chờ” được nhân rộng tại 18 phường của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: internet 

Hay như sáng kiến “5 TTHC không chờ” của phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Sau 8 tháng thí điểm, 1.800/4.000 hồ sơ được thực hiện theo mô hình này, chiếm 44,9%, giúp việc giải quyết số lượng lớn hồ sơ đã rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Thời gian giải quyết TTHC giảm từ 1/2-1 ngày chỉ còn 15 phút. Mô hình này hiện đã được quận Hoàn Kiếm nhân rộng đồng loạt ra 18 phường với quy trình thực hiện thống nhất.

Trong khi đó, BPMC của các xã, thị trấn và huyện Hoài Đức đã triển khai thí điểm mô hình “Ngày thứ 6 xanh”, áp dụng với 4 TTHC gồm: thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học; thủ tục chuyển trường đối với học sinh tiểu học và thủ tục cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ. Theo đó, khi thực hiện mô hình, thời gian giải quyết các TTHC kể trên được rút ngắn xuống còn 60 phút thay vì kéo dài từ 1-10 ngày làm việc theo như quy định.

Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết, năm 2021 chỉ số CCHC của huyện được chấm điểm và xếp ở vị trí 20/30 quận, huyện trên địa bàn thành phố, đây là kết quả chưa cao. Để năm 2022 chỉ số điểm sẽ đạt kết quả tốt hơn, ngay từ đầu năm, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh một số tồn tại ở BPMC của huyện và các xã, triển khai tốt công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ quy trình, quy định trong giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp.

Nhiều địa phương khác cũng duy trì hiệu quả cách thức phục vụ người dân như mô hình “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại BPMC của UBND thị trấn Phú Minh và UBND xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên)...

Bản chất của cải cách hành chính là thái độ với người dân, doanh nghiệp

Tại hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2022” của UBND TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh, bản chất CCHC là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp. Cùng với đó là mối quan hệ trong hệ thống.

Mục tiêu của CCHC là hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: internet 

Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố đã và đang thành lập các ban chỉ đạo các đề án rất thiết thực như: Triển khai xây dựng đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền; thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố sang tự chủ tài chính…), đồng thời khẳng định Ban Cán sự đảng UBND thành phố cùng các ban Đảng Thành ủy, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ làm tốt các đề án mang tính then chốt này để giải phóng được các nguồn lực và phát triển.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã nhấn mạnh quan điểm Hà Nội xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố đang rà soát, bóc tách từng nhiệm vụ để tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã theo tinh thần giảm đầu mối. Cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

HUY DƯƠNG