Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với đồng chí Hoàng Thái Cương, Bí thư Thành ủy Sông Công xung quanh vấn đề này.

leftcenterrightdel
Đồng chí Hoàng Thái Cương. 

Phóng viên (PV): TP Sông Công luôn coi công tác CCHC là động lực để phát triển; vậy thời gian qua, thành phố đã triển khai vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Hoàng Thái Cương: TP Sông Công xác định CCHC và xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là một trong những khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025; bước đột phá để làm thay đổi hình ảnh của cơ quan quản lý nhà nước. Đánh giá xếp hạng Chỉ số CCHC 3 năm liên tiếp (từ 2018 đến 2020), TP Sông Công luôn đứng trong top đầu các địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Ban Thường vụ Thành ủy Sông Công ngay từ đầu nhiệm kỳ đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành Đề án CCHC nhà nước TP Sông Công giai đoạn 2021-2025 với 5 quan điểm như: CCHC phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Thành ủy; sự kiểm tra, giám sát của HĐND; sự quản lý toàn diện của UBND thành phố; sự tham gia giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố. CCHC phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Các nội dung CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025. CCHC phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hoạt động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước... CCHC phải kế thừa những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công, phát triển để vận dụng một cách phù hợp vào thực tiễn của TP Sông Công giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
Triển khai vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh IOC và ứng dụng trên thiết bị di động "Sông Công Smart City". Ảnh: GIA MINH 

PV: CCHC đã tác động và làm thay đổi những vấn đề cụ thể nào ở địa bàn Sông Công, lĩnh vực nào đạt được những thành tựu đột phá, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thái Cương: Trước khi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, TP Sông Công đã vinh dự được UBND tỉnh triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh IOC và ứng dụng trên thiết bị di động “Sông Công Smart City” với nhiều tiện ích, thông tin giúp người dân, doanh nghiệp kết nối, cùng giám sát các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Bên cạnh việc sớm xây dựng hệ thống một cửa liên thông điện tử từ thành phố đến các xã, phường; thành phố cũng thực hiện phần mềm quản lý tiếp nhận văn bản, chữ ký điện tử. Đến nay, 100% hồ sơ của người dân đã được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, CCHC, cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công... Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, 100% hồ sơ các lĩnh vực tại bộ phận một cửa của UBND thành phố được tiếp nhận theo hình thức trực tuyến.

PV: Đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp thực tế không hề đơn giản; một số người dân, doanh nghiệp vẫn cho rằng công tác CCHC của thành phố dẫu đã cải thiện nhưng vẫn còn không ít điểm nghẽn. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Hoàng Thái Cương: Do các nội dung, chương trình triển khai mới, nhận thức của nhiều cán bộ, người dân, doanh nghiệp về CCHC và chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, bỡ ngỡ nên cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên; của các sở, ban, ngành của tỉnh; sự chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các cấp chính quyền; sự tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của thành phố trong CCHC và chuyển đổi số quốc gia... những hạn chế trên đã từng bước được khắc phục. Tại hội nghị công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương vừa qua, TP Sông Công đã được tỉnh Thái Nguyên công nhận là đơn vị đứng đầu. Điều đó chứng minh cho sự quyết tâm của thành phố trong CCHC.

PV: CCHC của thành phố đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo nhiều thiện cảm từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vậy thời gian tới, các lĩnh vực ưu tiên trong CCHC và quản lý nhà nước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Sông Công là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thái Cương: Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu 95% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; trên 80% tổng số hồ sơ công việc cấp thành phố và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% các chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung. 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo; trên 50% các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC SƠN (thực hiện)