Hội nghị nêu rõ: “Sự sửa đổi này rất quan trọng, làm cho bộ máy quân sự tập trung hơn, nhanh chóng hơn”.

Cụ thể hóa quyết định của Hội nghị, ngày 22-6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương. Bộ Tổng Tư lệnh gồm 3 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp.

Nhiệm vụ, chức trách của các cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh được quy định cụ thể trong Sắc lệnh số 121/SL, về tổ chức nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 11-7-1950.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội và du kích ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (tháng 3-1951). Ảnh: dangcongsan.vn 

Theo Sắc lệnh số 121/SL, Bộ Tổng Tư lệnh gồm các cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp; Đoàn thanh tra và Văn phòng.

Bộ Tổng Tham mưu có nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh tổ chức quân đội, dân quân và chỉ đạo tác chiến. Về tổ chức, Bộ Tổng Tham mưu gồm các Cục: Tác chiến, Quân báo, Quân huấn, Dân quân, Thông tin liên lạc.

Bộ Tổng Tham mưu do một Tổng Tham mưu trưởng điều khiển, có 1 hay 2 Phó tổng Tham mưu trưởng giúp việc. Tổng Tham mưu trưởng được ủy quyền của Tổng Tư lệnh chỉ đạo các cục binh chủng (công binh, pháo binh và các quân hiệu).

Tổng cục Chính trị có nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân đội về phương diện chính trị. Về tổ chức, Tổng cục Chính trị gồm các Cục: Tổ chức, Tuyên huấn, Địch vận, Quân pháp, Nhà xuất bản Vệ Quốc đoàn.

Tổng cục Chính trị do một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị điều khiển, có 1 hay 2 Phó chủ nhiệm giúp việc.

Tổng cục Cung cấp có nhiệm vụ quản trị trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Về tổ chức, Tổng cục Cung cấp gồm các Cục: Quân lương, Quân y, Quân vụ, Vận tải, Quân giới, Quân trang và Phòng Quân khí.

Tổng cục Cung cấp do một Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp điều khiển, có 1 hay 2 Phó chủ nhiệm giúp việc.

Cùng với kiện toàn cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL (ngày 11-7-1950), bổ nhiệm cán bộ chủ trì Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. Theo đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Lê Liêm giữ chức Phó chủ nhiệm.

Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ kiêm chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp.

Việc kiện toàn tổ chức Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đã góp phần thúc đẩy công tác tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng phát triển.

Với những nỗ lực vượt bậc của Bộ và các liên khu trong tổ chức xây dựng lực lượng ba thứ quân, đến trước chiến dịch Biên Giới (tháng 9-1950), trên toàn quốc, bộ đội chủ lực đã có gần 167.000 người, bộ đội địa phương khoảng 45.000 người, dân quân du kích trên 1 triệu người.

Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.