Các lực lượng vũ trang và nhân dân ta nhất tề cầm vũ khí đánh trả. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Nam Bộ. Trong khi đó, ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật theo quy định của Đồng minh, theo sau chúng là lực lượng thuộc các đảng phái phản động tay sai.
Âm mưu của chúng là lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. Cách mạng nước ta ở vào tình thế hiểm nghèo, như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ, vừa thực hiện những đối sách mềm dẻo, linh hoạt với quân Tưởng và tay sai ở miền Bắc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới nhằm đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến, lúc này, việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân về mọi mặt được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Để bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội, tháng 1-1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy[1]. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong quân đội, có nhiệm vụ: Giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp nắm mọi hoạt động của lực lượng vũ trang, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và với Nhân dân trong mọi thử thách quyết liệt, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Để giữ bí mật, Đảng được gọi là Hội Cứu quốc (gọi tắt là Hội), Trung ương Quân ủy được gọi là QQQ, đảng viên là hội viên, đảng vụ là hội vụ.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu |
Trung ương Quân ủy gồm 7 đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Liêm, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Nguyễn Sơn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư, đồng chí Trần Tử Bình làm Phó bí thư (tháng 2-1947, đồng chí Văn Tiến Dũng thay). Cơ quan giúp Trung ương Quân ủy có ba ủy ban: Quân sự, Chính trị và Đảng vụ.
Ngay sau khi thành lập, Trung ương Quân ủy đã tập trung sức lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng vũ trang, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, làm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân trong mọi thử thách quyết liệt. Công tác xây dựng Đảng trong quân đội được đặc biệt chú trọng. Trong năm 1946, Đảng đã điều thêm nhiều cán bộ của Đảng vào quân đội. Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội dần được kiện toàn từ Trung ương Quân ủy, các Quân khu ủy đến các chi bộ ở đơn vị cơ sở. Hệ thống cơ quan công tác chính trị được xây dựng ở các cấp. Việc phát triển đảng viên mới được các cấp bộ đảng trong toàn quân quan tâm và tiến hành tích cực.
Đến cuối năm 1946, trong quân đội đã có gần 8.000 đảng viên (trong tổng số 2 vạn đảng viên của cả nước)[2]. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Quân ủy, các tổ chức đảng và tổ chức chỉ huy trong Quân đội phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương động viên toàn dân phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Trên cơ sở nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) đã nhanh chóng kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, bảo đảm cả về tổ chức, tư tưởng và lực lượng cho việc lãnh đạo toàn quân cùng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thông qua Trung ương Quân ủy và hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trở thành nguyên tắc và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
LÊ VĂN CỬ
[1] Từ năm 1946 đến nay, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Quân đội có sự thay đổi tên gọi qua các giai đoạn: Trung ương quân ủy (1-1946 / 8-1948), Tổng Chính ủy (8-1948 / 5-1952), Tổng Quân ủy (5-1952 / 1-1961), Quân ủy Trung ương (1-1961 / 12-1982), Hội đồng quân sự (12-1982 / 7-1985), Đảng ủy quân sự Trung ương (7-1985 / 5-2006), Quân ủy Trung ương (từ 6-2006 đến nay).
[2] Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.151.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.