Việc xây dựng tổ chức quân sự, phát triển lực lượng vũ trang trên quy mô cả nước đặt ra một loạt vấn đề bức thiết về nắm địch, nắm ta, thống nhất tổ chức, chỉ huy, đào tạo cán bộ, bảo đảm vũ khí, lương thực… Vì vậy, việc tổ chức cơ quan tham mưu chiến lược trở thành yêu cầu khách quan, cấp thiết.
Ngày 7-9-1945, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đồng chí Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan tham mưu. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp.
 |
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu thành lập, tháng 12-1944 . Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiều điều rất cơ bản có tầm quan trọng quyết định phương hướng xây dựng, hoạt động và phát triển của Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan tham mưu các cấp trong toàn quân không chỉ trước mắt mà cho suốt cả sự trưởng thành và phát triển của Bộ Tổng Tham mưu.
Người nói đại ý: “Ta vừa giành được độc lập, tự do, Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể (Đảng) lập Bộ Tổng Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước. Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của Quân đội, có nhiệm vụ: Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Thế nào ta cũng xây dựng được ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc”[1].
Thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngay trong ngày 7-9-1945, đồng chí Hoàng Văn Thái cho thành lập và trực tiếp phụ trách Phòng Tác chiến - Đồ bản, đồng thời, giao cho đồng chí Hoàng Minh Đạo chuẩn bị thành lập Phòng Tình báo. Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về công tác tham mưu chiến lược, lần lượt các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã được thành lập và bắt tay ngay vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược.
Buổi đầu thành lập, mặc dù điều kiện mọi mặt còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu đã đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, vừa kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, mở rộng các đầu mối, bổ sung quân số, phát triển nhiệm vụ, nghiên cứu phương pháp hoạt động… vừa kết hợp làm việc với học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tham mưu chiến lược cho Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng theo chức năng, nhiệm vụ.
Trong đó, tập trung tham mưu, chỉ đạo xây dựng Quân đội, phát triển chiến tranh du kích; đổi tên, hợp nhất các tổ chức vũ trang, thống nhất tổ chức biên chế đơn vị bộ đội chủ lực, xác định nguyên tắc tổ chức lực lượng, cách đánh, hình thành các đoàn quân Nam tiến, chi viện cho chiến trường miền Nam; chỉ đạo phân chia lại chiến trường, huấn luyện quân sự, bảo đảm hậu cần, bổ sung vũ khí, đạn dược, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...
Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của cơ quan chỉ huy, tham mưu cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề chiến lược quân sự, quốc phòng; chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng các kế hoạch tác chiến, cách đánh của lực lượng vũ trang, chỉ huy lực lượng vũ trang… góp phần to lớn làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia.
Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ Tổng Tham mưu đã tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; đồng thời tổ chức chỉ đạo và tổ chức điều chỉnh chiến lược, tăng cường thế trận phòng thủ đất nước; điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, Bộ Tổng Tham mưu ra đời luôn gắn với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với tài mưu lược, sáng tạo về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật nắm địch, chỉ đạo chỉ huy, hiệp đồng tác chiến chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu đã góp phần to lớn vào những thắng lợi vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, xây dựng nên truyền thống “Trung thành - mưu lược, tận tụy - sáng tạo, đoàn kết - hiệp đồng, quyết chiến - quyết thắng”.
Ngày 7-9 trở thành Ngày truyền thống của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
LÊ VĂN CỬ
[1] Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 10-11.