Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, tình thế cách mạng Việt Nam có những chuyển biến mới. Dưới ánh sáng của chỉ thị, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ “tiền khởi nghĩa”. Lợi dụng chính quyền thân Nhật còn yếu, nhiều nơi trong cả nước đã tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền cơ sở, như: Thanh La (Tuyên Quang), Ba Tơ (Quảng Ngãi)… Các đội vũ trang cách mạng ở các chiến khu và nhiều địa phương đã có bước phát triển. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, sau khi giành thắng lợi hai trận đầu, đã phát triển thành đại đội và tiến về phía Nam theo chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cứu Quốc quân đã phát triển, với ba đội Cứu quốc quân: 1, 2 và 3. Ở các chiến khu, đã thành lập các đơn vị vũ trang của mình.
Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng trong cả nước, sự lớn mạnh của các đơn vị vũ trang, nhận định thời cơ tổng khởi nghĩa đang tới gần, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tham dự hội nghị có chỉ huy các đội vũ trang, các chiến khu, gồm đại diện: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân; chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa); các chiến khu ở Bắc Bộ; cùng các đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh… Trong những ngày diễn ra hội nghị (từ ngày 15 đến 20-4-1945), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, các đại biểu đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quân sự cách mạng của cả nước. Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, hội nghị nhấn mạnh, tình hình đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Về chính trị, hội nghị đề ra nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, tập hợp tất cả các thành phần, tầng lớp vào phong trào cứu quốc, đẩy mạnh phong trào bằng cách kêu gọi nhân dân vũ trang tuần hành trong những vùng chưa phát động chiến tranh du kích.
Về quân sự, hội nghị quyết định chia toàn quốc thành 7 chiến khu, đề ra nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa chống phát xít Nhật kiểu mẫu, để mở rộng chiến tranh du kích, sáp nhập một số tỉnh trung du và căn cứ địa Việt Bắc, để làm vùng hoạt động du kích, bảo vệ căn cứ. Hội nghị quyết định, thống nhất Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành một lực lượng vũ trang thống nhất, có tên gọi là Việt Nam Giải phóng quân, cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị cũng vạch ra những điểm cơ bản để xây dựng Việt Nam Giải phóng quân, như: Thống nhất biên chế, thống nhất huấn luyện chính trị, quân sự, tổ chức công tác chính trị trong bộ đội, trau dồi kỷ luật…
Chấp hành Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15-5-1945, tại xã Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân. Có mặt tại buổi lễ này, có lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân từ Cao Bằng xuống; Cứu quốc quân 1 từ Bắc Sơn - Võ Nhai, Đại Từ lên; Cứu Quốc quân 3 từ Tuyên Quang sang. Các lực lượng Việt Nam Giải phóng quân được biên chế thành 13 đại đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh.
Về biên chế, các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức thống nhất, mỗi tiểu đội có 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội, 3 trung đội thành một đại đội. Vũ khí trang bị của Việt Nam Giải phóng quân được tăng cường cả súng máy, súng cối 60mm lấy được của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tiếp đó, một số tỉnh, huyện cũng tổ chức ra các trung đội Việt Nam Giải phóng quân là lực lượng vũ trang của địa phương mình. Ngay sau khi thành lập, Việt Nam Giải phóng quân đã tổ chức chiến đấu, đánh tan cuộc càn quét lớn của hàng nghìn quân phát xít Nhật, bảo vệ khu giải phóng. Đến tháng 7-1945, Quân Giải phóng lại tổ chức đánh một trận lớn, tiêu diệt đồn Nhật ở Tam Đảo (16-7-1945) giành thắng lợi.
Khi thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chiến quyền chín muồi, theo lời kêu gọi của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả đất nước, cả dân tộc vùng dậy. Ở các địa phương trong cả nước, lực lượng chính trị với quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang là lực lượng xung kích, vùng lên mạnh mẽ, tiến vào các trụ sở của chính quyền thân phát xít Nhật, nhanh chóng giành được chính quyền cách mạng.
Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, 52 trong tổng số 63 tỉnh, thành lúc đó đã sử dụng lực lượng chính trị là chính, có kết hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền. 11 trong tổng số 63 tỉnh, thành dùng lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng chính trị tiến công địch. Trong những ngày bão táp cách mạng, Quân Giải phóng và hàng vạn chiến sĩ tự vệ đã đóng vai trò là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong những ngày chính quyền cách mạng còn trứng nước, lực lượng vũ trang cách mạng đã thực hiện tốt chức năng một quân đội của nhà nước cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, tiêu diệt bọn phản cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Giải phóng quân còn là hạt nhân để xây dựng và phát triển Vệ quốc đoàn, Quân đội quốc gia Việt Nam. Từ 13 đại đội chủ lực Giải phóng quân và một số trung đội, đại đội địa phương tỉnh, huyện lúc đầu, đến tháng 10-1945, mỗi tỉnh trong cả nước đều đã có 1 chi đội, với quân số từng chi đội khoảng từ 400-500 người (tương đương tiểu đoàn) đến 2.000 người (tương đương trung đoàn).
Như vậy, Việt Nam Giải phóng quân ra đời, với vũ khí trang bị tốt hơn, có tổ chức biên chế chặt chẽ, tổ chức thống nhất, đã đóng vai trò là lực lượng bảo vệ các căn cứ địa cách mạng, vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng ở những nơi mới thành lập, cùng toàn dân tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, trong quá trình hình thành và phát triển từ các đội tự vệ đỏ đến quân đội nhân dân cách mạng. Đó cũng là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có một đội quân thống nhất, một lực lượng vũ trang thống nhất, với biên chế tổ chức khá chặt chẽ, cương lĩnh chính trị quân sự rõ ràng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc xây dựng một lực lượng vũ trang thống nhất để làm mũi nhọn, phối hợp cùng lực lượng chính trị của toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ cách mạng chín muồi. Việt Nam Giải phóng quân đã cùng toàn dân hoàn thành sứ mạng ấy một cách vẻ vang, giành lại nền độc lập cho nước nhà, xây dựng và bảo vệ nền dân chủ nhân dân.
Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.