Đầu năm 1963, từ quê nhà xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, thanh niên Lê Xuân Tấu viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Binh chủng Tăng thiết giáp. Hoàn thành khóa huấn luyện trưởng xe, Lê Xuân Tấu được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 12), với nhiệm vụ trưởng xe PT-76 số hiệu 555 và cùng đội hình vượt gần 1.400km vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
 |
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Tấu cùng vợ, năm 2020. Ảnh chụp lại
|
Thiếu tướng Lê Xuân Tấu từng chia sẻ: "Ngày 14-10-1967, chúng tôi nhận lệnh xuất phát tại xã Cự Yên (Lương Sơn, Hòa Bình), bí mật hành quân vào ban đêm theo lộ trình Đường 12A, 12B, 15A, 15B vào Quảng Bình. Xe tôi đảm nhiệm dẫn đầu đội hình hành quân. Để giữ bí mật, các xe chấp hành nghiêm quy định không bật đèn pha mà sử dụng đèn gầm lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Tuyến đường hành quân được chia thành nhiều cung, mỗi cung được chia thành 3 chặng, mỗi chặng trung bình dài khoảng 30-45km, đi trong một đêm. Mỗi xe cách nhau 100-150m để tránh máy bay địch bắn phá.
Trung tuần tháng 1-1968, đơn vị của tôi vào đến địa bàn Quảng Trị. Khoảng 17 giờ ngày 23-1-1968, đại đội xe tăng nhận lệnh xuất kích áp sát căn cứ Tà Mây. Tuy nhiên, do địch gài mìn dày đặc nên gần đến giờ hiệp đồng mà lực lượng công binh của ta vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thông đường. Xuống xe kiểm tra tình hình, phát hiện không phải mìn chống tăng, tôi lập tức gọi điện báo cáo và được cấp trên đồng ý cho xe tăng vượt qua bãi mìn. Xe tôi đi đến đâu mìn nổ đến đó nhưng xe vẫn không hề hấn gì. Các xe khác đi theo sau vào vị trí tập kết. Gần 1 giờ sáng ngày hôm sau, đơn vị tôi tiến vào Tà Mây. Địch thấy xe tăng của ta thì hốt hoảng chạy tán loạn. Xe tăng 555 do tôi chỉ huy tiến vào sở chỉ huy của địch, phối hợp cùng các lực lượng phá hủy các lô cốt, ụ pháo của địch... Hơn 8 giờ sáng hôm đó, lực lượng của ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Tà Mây".
Nhiều đồng đội của ông kể lại, nếu không có quyết định dũng cảm, không sợ hy sinh của đồng chí Lê Xuân Tấu thì xe tăng của ta không thể vào đúng giờ hiệp đồng để giành được chiến thắng. Sau Chiến thắng Tà Mây, đơn vị xe tăng của ông Lê Xuân Tấu tiếp tục hành quân tham gia tiến công cứ điểm Làng Vây. Căn cứ Làng Vây nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, cách Hướng Hóa (Quảng Trị) khoảng 7km. Đây là căn cứ phòng ngự rất kiên cố của địch.
Đúng 23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công căn cứ Làng Vây và đến khoảng 4 giờ ngày 7-2, quân ta làm chủ hoàn toàn trận đánh... Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà còn có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, là trận đánh then chốt góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, trong đó lực lượng xe tăng có vai trò rất lớn.
ANH THÁI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ quyết thắng xem các tin, bài liên quan