1. Từ cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, đơn vị chúng tôi hoạt động, chiến đấu ở vùng Thượng Lào. Ở đây đương nhiên có đơn vị bạn nhưng quân số ít ỏi nên quân Pathet thường chỉ làm nhiệm vụ vận động nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, còn chiến đấu là việc chính của bộ đội tình nguyện.   

Làm nhiệm vụ chiến đấu, chúng tôi thường đóng quân ở rừng, gần bản làng của bà con dân tộc. Lào có 3 tộc người chính là Lào Lùm, ở đồng bằng, chân núi; Lào Thơng ở lưng chừng núi và Lào Sủng ở trên các đỉnh núi cao. 3 tộc người có phong tục, tập quán sinh hoạt và canh tác khác nhau, nhưng nói chung bà con hiền hậu, chăm chỉ, tổ chức cuộc sống lành mạnh, giúp đỡ nhau, trong làng bản ít có xung đột; đồng bào rất quý mến bộ đội Việt Nam.

Người dân Campuchia mang nước thốt nốt mời bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bộ đội tình nguyện Việt Nam có mặt ở Lào từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1953, quân Pathet dưới sự chỉ huy của đồng chí Kaysone Phomvihane đánh trận đầu tiên ở Xốp Hào, Bắc Lào thì trước đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã có mặt cả ở Bắc và Nam Lào để xây dựng cơ sở cách mạng, đặc biệt là tổ chức lực lượng quân sự để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu giải phóng nước Lào thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Chiến đấu ở Lào, đương nhiên bộ đội tình nguyện phải dựa vào nhân dân Lào. Mặc dù bộ đội ta được quán triệt sang giúp bạn là chỉ dùng của bạn nước, củi đốt và khí trời, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bộ đội ta phải dựa vào sự giúp đỡ của bà con Lào về lương thực, thực phẩm và dẫn đường.

Năm 1971, tôi được thực tế cùng Sư đoàn 312 vào Thượng Lào, đánh chiếm nhiều điểm cao và cuối cùng là giải phóng Cánh Đồng Chum, rồi tiến thẳng một mạch giải phóng cả hai căn cứ Sảm Thông, Long Chẹng-được xem như hang ổ của quân biệt kích Vàng Pao do Mỹ nuôi dưỡng, trang bị đến tận chân răng, cấp tiểu đoàn trưởng đã có trực thăng riêng.            

Một số đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam hoạt động được cả mùa mưa và mùa khô ở Lào là do được bà con các dân tộc Lào giúp đỡ. Mùa khô, đường vận tải thông nên việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội không khó. Nhưng mùa mưa, nhiều khi việc tải gạo phải chờ mấy ngày suối hết cơn lũ mới có thể qua được. Tuy vậy, bộ đội tình nguyện vẫn không bị đói vì có bộ đội Pathet và bà con Lào giúp đỡ. Tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh bà con và bộ đội Pathet ăn cháo để dành nửa gạo cho bộ đội tình nguyện, hoặc giết những con lợn cuối cùng, chia ra nhiều phần nhỏ cho người nhà và bộ đội tình nguyện cùng hưởng. Tình nghĩa như ruột thịt ấy được nuôi dưỡng từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội tình nguyện hoạt động, chiến đấu và xây dựng cơ sở ở Lào.

Tôi có anh bạn là Chăn Xi, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Lào cùng đi công tác với nhau một chuyến vào Sảm Thông, Long Chẹng mới giải phóng. Bộ đội Việt Nam cũng đã rút, trao lại quyền kiểm soát cho bộ đội Lào.

Chăn Xi bảo, đi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân của Việt Nam là yên tâm rồi. Tôi hỏi anh yên tâm về điều gì thì Chăn Xi bảo yên tâm không bao giờ bị đói.

Quả thực có thế, vì mới giải phóng, bộ đội Pathet phải lo quản lý tất cả, cấp chính quyền chưa kịp thành lập nên chúng tôi đi, nơi nào không dựa được vào bộ đội thì dựa vào dân. Dân Sảm Thông, Long Chẹng dù nhiều năm sống trong sự o bế của quân biệt kích Vàng Pao nhưng luôn dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam những tình cảm thân thương. Dừng nghỉ lại ở đâu trong dân, Chăn Xi cũng đem tôi ra để giới thiệu trước, nhấn mạnh đây là bộ đội Việt Nam, thế là chúng tôi được đón tiếp chu đáo, được ăn no, ngủ kỹ.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam được nhân dân Lào gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Bộ đội Cụ Hồ là bản chất cách mạng; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là tình đoàn kết keo sơn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì đất nước Lào thân yêu, nhân dân Lào thủy chung và gắn bó như người một nhà. Tình cảm đó được hình thành, phát triển trong xây dựng và chiến đấu, gắn bó với nhân dân, yêu quý nhân dân, chung sức chung lòng với nhân dân từ việc nhỏ trong thôn bản như chăm sóc trẻ em, dựng nhà, sửa nhà đến việc lớn là phục vụ chiến đấu, chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới.

2. Năm 1987, quân Pol Pot bị quân đội cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh bật khỏi Campuchia, phải chạy sang ẩn nấp ở rừng Đông Bắc Thái Lan, gây bất ổn ở Nam Lào. Với tư cách là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi có mặt ở Bắc Campuchia và Nam Lào, nơi có thác Khone nổi tiếng. Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở vùng giáp biên giới 3 nước này. Phía sau là Tổ quốc yêu thương, hòa bình, nhưng vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, các chiến sĩ tình nguyện không tiếc xương máu, đã chiến đấu giành lại độc lập, xây dựng cuộc sống mới cho nước bạn. 

Tôi nhớ ở rừng Đông Bắc Campuchia ngay sau ngày giải phóng, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội nước bạn tổ chức một buổi liên hoan múa lăm vông. Trong buổi liên hoan văn nghệ đó có một cô gái trẻ múa rất đẹp. Cô chắp tay mời tôi vào vòng múa, hướng dẫn tôi múa cùng cô. Khi múa xong, cô chúc rượu tôi và bảo: "Anh ở lại Campuchia, em yêu anh". Tôi cảm ơn cô và chia sẻ rằng bộ đội tình nguyện Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở về nước. Ở quê hương, tôi đã có một cô gái chờ đợi mình. Tôi bước ra khỏi vòng múa nhưng cô vẫn đứng lại múa một mình. Dáng điệu thon thả và mềm mại, gương mặt ngời sáng, cô đẹp như thể một nữ thần. Sau này được đến thăm Angkor Wat, ngắm nhìn những bức tượng đá trong ngôi đền vĩ đại, tôi chợt nhận ra cô gái múa với tôi đêm nào như là vũ nữ tạc trên đá này. Lịch sử lâu dài của Campuchia như dừng lại từ nền văn minh hàng nghìn năm trước. Một nền văn minh thấm sâu vào từng người Campuchia, còn mãi đến hôm nay.     

Tôi vừa có dịp trở lại Lào và Campuchia. Biết tôi từng là chiến sĩ quân tình nguyện ở cả mặt trận Lào và Campuchia thời kháng chiến, đi đến đâu bà con hai dân tộc anh em và bè bạn cũng bày tỏ lòng yêu mến và quý trọng Bộ đội Cụ Hồ.           

Nhà văn HÀ ĐÌNH CẨN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.