Sinh năm 1944 tại xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định), năm 18 tuổi, thanh niên Đoàn Văn Nhuận làm đơn tình nguyện nhập ngũ và được cử đi học lớp y sĩ tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Đoàn Văn Nhuận được điều động về Trung đoàn 83 Công binh cầu đường (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân). Từ đây, y sĩ Đoàn Văn Nhuận cùng đội hình của đơn vị có mặt tại nhiều địa bàn, tham gia xây dựng các công trình quân sự, góp phần cùng quân dân miền Bắc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; mở đường, bảo đảm giao thông trên tuyến đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn; tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chung sức cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Cựu chiến binh Đoàn Văn Nhuận (bên phải). |
Được hỏi về kỷ niệm thời quân ngũ, ông Đoàn Văn Nhuận chia sẻ: “Trong chiến đấu với kẻ thù không thể tránh khỏi thương vong. Nhiệm vụ của tôi là cứu chữa thương binh ngoài mặt trận. Nhưng những tình huống khẩn như cưa, cắt đi chân tay thương binh bị giập nát, kịp thời cầm máu, cứu tính mạng cán bộ, chiến sĩ để lại trong tôi những cảm xúc sâu sắc nhất. Lúc đó, tôi đau đớn vô cùng bởi hiểu rằng, họ sẽ mãi mãi không thể gắn liền lại được chi thể. Nhưng hoàn cảnh, điều kiện nơi chiến trường không thể đổi khác. Tôi phải nén lại nỗi đau để hành động cứu chữa, bảo vệ tính mạng đồng đội. Ca đầu tiên tôi cắt cánh tay bên phải bị giập nát của chiến sĩ tên Khoa, quê ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), vào nửa đêm một ngày tháng 11-1966, tại tuyến đường Tây Trường Sơn”.
Trong số đồng đội “được” ông Đoàn Văn Nhuận cắt chân, tay, có ông Lê Văn Thành, nay đã 74 tuổi, hiện trú tại xã Công Chính (Nông Cống, Thanh Hóa). Sau này, qua địa chỉ còn lưu lại, ông Thành cùng con trai đã tìm về nhà ông Nhuận ở Nam Định gặp lại ân nhân cắt đi cánh tay trái của ông tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ngày ấy, nếu không cắt đi cánh tay giập nát, kịp thời cấp cứu thì chắc chắn ông Lê Văn Thành khó qua khỏi cơn nguy kịch.
Trong 24 năm quân ngũ của mình (1962-1986), ông Đoàn Văn Nhuận luôn theo sát đội hình mở đường phục vụ chiến đấu, chiến đấu của đơn vị, kịp thời cứu chữa, giữ lại tính mạng cho nhiều đồng đội. Đến nay, ông đã ở tuổi 81, nhưng kỷ niệm về cắt bỏ chân, tay cứu chữa đồng đội thì ông không thể nào quên.
Bài và ảnh: ANH THÁI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.