Gần sáng thì đến chân đồi phía Bắc thị trấn. Quan sát thấy trên đỉnh đồi có ngôi chùa bỏ hoang, chúng tôi quyết định chọn làm nơi trú quân. Mờ sáng, chiếm lĩnh xong vị trí quan sát, chúng tôi nhìn rõ các hoạt động trong thị trấn và các điểm cao xung quanh. Anh em phân công nhau vừa nắm tình hình vừa vẽ cảnh đồ thị trấn Paksong.

Paksong là thị trấn rất đẹp, nằm cách thành phố Parkse, thủ phủ Nam Lào hơn 50km về phía Đông, dân cư đông đúc. Sau khi bị mất thị xã Attapeu (tỉnh Attapeu), tên Đại tá Khăm Kòm, Tỉnh trưởng Attapeu và đám tàn quân chạy về đây lập sở chỉ huy điều hành các hoạt động ở Boloven. Chúng bố trí các tiểu đoàn bộ binh xung quanh thị trấn và một sân bay dã chiến bảo vệ Paksong.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền (giữa) thăm Bộ CHQS tỉnh Xayabury (Lào), năm 1998. 

Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi nghe có tiếng súng nổ trong thị trấn, qua ống nhòm thấy từng toán người chạy nháo nhác. Tôi nhắc anh em theo dõi chặt chẽ tình hình. Khoảng nửa tiếng sau, một đồng chí báo cáo: “Có hai người đang chạy theo hướng đường cũ lên đây, chưa rõ dân hay địch”. 

Tôi chỉ thị anh em tập trung quan sát và sẵn sàng chiến đấu. Mấy phút sau, chúng tôi nhìn rõ đó là một đôi trai gái còn khá trẻ. Mọi người nhận định là người của thị trấn vì họ khá thạo đường. Chờ họ vào khu vực ém quân, tôi ra hiệu cho hai đồng chí khống chế, không để họ la thét. Bị bất ngờ, mặt họ trắng bệch nhìn chúng tôi sợ hãi. Tôi bảo đồng chí Phùng Hòa Ngọc và Nguyễn Văn Tiến (giỏi tiếng Lào) giải thích với họ rằng chúng tôi là bộ đội giải phóng Lào, nhưng họ vẫn tỏ ra sợ sệt.

Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền cùng cán bộ Cục Tác chiến Quân đội nhân dân Lào khảo sát địa hình tại Cánh đồng Chum (Lào), năm 1998. Ảnh chụp lại 

Khi biết họ lên đây trốn lính, chúng tôi có cảm tình với họ vì đây cũng là cách chống lại địch. Tôi bảo anh em giải thích cho họ hiểu về chính sách, nhiệm vụ, mục đích của Mặt trận Lào yêu nước và Quân giải phóng Lào. Họ vẫn e dè vì nhận ra chúng tôi là người Việt, mà lâu nay địch vẫn tuyên truyền “Keo (người Việt) ăn thịt người”.

Quá trưa, tôi cầm bi đông nước và hai miếng lương khô đưa cho hai người nhưng họ sợ, chưa dám ăn. Thấy vậy, tôi cầm dao rạch lớp bao ngoài, cắt mẩu nhỏ cho vào miệng ăn và mở bi đông uống một ngụm nước. Lúc đó họ mới dám ăn uống. Buổi chiều, chúng tôi tập trung xác định hướng để đêm trinh sát tiềm nhập, xây dựng phương án tiến công cho đơn vị. Càng gần tối, muỗi càng nhiều. Chúng tôi lấy dầu chống muỗi, vắt đưa cho họ cùng xoa. Cả hai cảm ơn rối rít.

Hỏi chuyện họ, chúng tôi biết được nguồn điện cung cấp cho thị trấn dựa vào trạm thủy điện nhỏ. Nếu ta tiến công, cắt nguồn điện này thì hệ thống thông tin của địch bị gián đoạn.

Được giảng giải, phân tích, họ mới hiểu người Việt Nam không phải như địch tuyên truyền. Trời tối hẳn thì chúng tôi để cho họ về, dặn họ giữ bí mật về cuộc gặp. Trái với sự sợ hãi ban đầu, cả hai rất thân thiện, nắm chặt tay chúng tôi. Chuyến công tác ấy, chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều vui hơn nữa là qua một ngày ngắn ngủi, chúng tôi đã khiến cho đôi bạn trẻ người Lào và sau đó là cả người dân trong làng hiểu đúng về Bộ đội Giải phóng-Bộ đội Cụ Hồ.  

NGỌC HÂN (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ quyết thắng xem các tin, bài liên quan