Đại tá Đinh Văn Giám, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Cây đèn được ông Đặng Văn Toàn, con trai đồng chí Đặng Tuần Quý, ở xóm Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, trao tặng Bảo tàng.

leftcenterrightdel

Cây đèn được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc - Quân khu 1. 

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến xóm Bản Um gặp ông Đặng Văn Toàn và được nghe câu chuyện về cây đèn gắn liền với cuộc đời của đồng chí Đặng Tuần Quý. “Bố tôi sinh năm 1925, tại xóm Bản Um. Năm 1938, ông nội tôi bị thực dân Pháp giết. Sự kiện này đã hun đúc trong lòng bố tôi lòng căm thù giặc sâu sắc và thôi thúc ông xin tham gia đội du kích địa phương vào năm 1942”, ông Toàn kể.

Với thân hình nhỏ bé, nhanh nhẹn, lại thông thạo địa hình, Đặng Tuần Quý được giao nhiệm vụ liên lạc, dẫn đường cho các đồng chí cán bộ về hoạt động cách mạng tại địa phương. Nhằm bảo đảm an toàn, tránh địch phát hiện, công tác dẫn đường cho cán bộ thường triển khai vào ban đêm và băng qua các cánh rừng. Chính vì vậy, Đặng Tuần Quý đã nghiên cứu, chế tác ra cây đèn bằng đồng với chiều dài 18cm, đường kính 9cm; dùng nhiên liệu chính là đất đèn để duy trì ngọn lửa khi thắp. Cây đèn đã soi sáng những đêm mịt mù nơi rừng sâu, giúp ông nhiều lần đưa cán bộ về hoạt động cách mạng an toàn.

Đầu tháng 12-1944, Đặng Tuần Quý được giao nhiệm vụ dẫn đường cho các đồng chí cán bộ về điểm tập kết để chuẩn bị cho lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cũng với cây đèn này, Đặng Tuần Quý đã đưa nhiều cán bộ về điểm tập kết an toàn vào ban đêm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 22-12-1944, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân diễn ra tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đặng Tuần Quý vinh dự là một trong 34 cán bộ, chiến sĩ của Đội. Sau khi thành lập, ông cùng đồng đội tham gia đánh liên tiếp hai trận tại đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) và đồn Nà Ngần (nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình), lập nên chiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 2-1945, ông cùng đồng đội tiếp tục tấn công đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Trong trận đánh này, ông bị địch bắn trọng thương và được đưa về quê nhà điều trị, chăm sóc.

Sau khi bố mất, ông Đặng Văn Toàn tiếp tục cất giữ và bảo quản cây đèn như một kỷ vật quý giá của gia đình, dòng tộc. Sau đó, ông đã trao cây đèn tặng Bảo tàng LLVT Việt Bắc-Quân khu 1 làm hiện vật trưng bày, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: PHẠM THÁI HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.