Khi các đội viên chưa về tập trung, chi bộ gồm các đồng chí: Xích Thắng (Dương Mạc Thạch), Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái, do đồng chí Xích Thắng làm Thư ký chi bộ (1).

Trong số các đội viên được triệu tập về, nhiều người đã là đảng viên. Khi tập trung toàn đội, số đảng viên trong chi bộ của Đội tăng lên như: Mông Phúc Thơ, Hoàng Thịnh, Trương Đắc, La Thanh, Thu Sơn. “Sự ra đời của chi bộ Đảng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt quan trọng về công tác xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang của Đảng ta [...], là cơ sở, tiền đề về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong các lực lượng vũ trang tại Cao Bắc Lạng và trong Quân đội nhân dân Việt Nam sau này”(2).

Sáng ngày 22 tháng 12, Chỉ huy Đội đã phối hợp với cơ sở địa phương tiến hành các hoạt động treo biểu ngữ, khẩu hiệu, trang trí lễ đài cho lễ thành lập. 17 giờ, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên kỳ đài làm lễ chào cờ. Sau khi ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập và giao nhiệm vụ cho đội. “Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu...”(3). Tiếp đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc Mười lời thề danh dự: “Chúng tôi, đội viên Đội Giải phóng quân Việt Nam xin lấy danh dự một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh”(4)... Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao, cùng những tiếng hô “Xin thề” đồng thanh cất lên thể hiện quyết tâm của các đội viên.

leftcenterrightdel

Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức tại rừng Sam Cao nằm ở khu vực nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh tư liệu 

Sau lễ thành lập Đội, “hoạt động công tác chính trị đã được chi bộ đảng Việt Nam truyên truyền giải phóng quân lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cả về nội dung và hình thức tiến hành” (5). Tối 22 tháng 12, dù nhân dân và các đoàn thể đem rất nhiều quà bánh đến chúc mừng, úy lạo, nhưng toàn đội thống nhất tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng.

Tiếp đó là đêm du kích đầm ấm, cảm động diễn ra đến nửa đêm bên đống lửa bập bùng cháy giữa rừng mùa đông giá lạnh. Mỗi đội viên đứng lên giới thiệu bí danh, xuất thân, quê quán, con đường đến với cách mạng, từ đó vạch trần những tội ác mà đế quốc thực dân gây ra cho bản thân, gia đình và quê hương mình.

Suốt đêm, các đội viên “thay nhau đứng gác dưới cờ, tâm niệm “Mười lời thề danh dự”. Đêm du kích với những nội dung chính trị sâu sắc đã có tác động lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí căm thù giai cấp của từng người. Như vậy, đây là hình thức công tác chính trị, khi vận dụng đã góp phần khơi gợi lòng căm thù giai cấp, củng cố thêm vinh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm, ý chí của một người chiến sĩ trong đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng.

Sau đó, đội trưởng và chính trị viên còn trò chuyện với đội viên để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, trình độ văn hóa, chính trị, quân sự, hoàn cảnh gia đình, sở trường của từng người, từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp cũng như vạch kế hoạch luyện tập quân sự và chính trị cho sát hợp.

Chỉ một tuần sau, việc bổ sung đội viên đã hoàn thành và đội đã phát triển thành một đại đội gồm 4 trung đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đại đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Lúc này, Ban công tác chính trị đại đội được thành lập gồm có các đồng chí Dương Mạc Thạch, Hoàng Văn Thái, Lâm Cẩm Như và các chính trị viên trung đội, do đồng chí Lâm Cẩm Như phụ trách.

Với việc thành lập Ban công tác chính trị đại đội, công tác chính trị trong đội được chú trọng hơn. Đội tổ chức cho các đội viên mới nghiên cứu thêm về Chương trình, Điều lệ Việt Minh, học mười lời thề danh dự, các bài huấn luyện nhiệm vụ tuyên truyền. Các bài học được dịch ra tiếng các dân tộc Nùng, Dao, Mông... để dạy cho các đồng chí chưa thạo tiếng phổ thông. Các buổi sinh hoạt tổ hoặc toàn đội được duy trì đều đặn để động viên tinh thần học tập, công tác và phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đội đề cao kỷ luật, đoàn kết nội bộ, giúp đỡ các đồng chí trình độ còn thấp, coi trọng quan hệ tốt với dân.

Như vậy, ngay từ ngày đầu thành lập Quân đội ta, sự lãnh đạo của đảng, hoạt động công tác chính trị đã được coi trọng và đóng vai trò quan trọng góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển đội, vào thắng lợi của những trận đánh đầu tiên. Đây là những nét son mở đầu cho truyền thống, hoạt động của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vai trò quan trọng và những giá trị của các nhân tố đó tiếp tục được phát triển, phát huy trở thành nguyên tắc, nền nếp, chế độ công tác trực tiếp quyết định bản chất cách mạng và nâng cao sức mạnh toàn diện để Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC


(1) “Thư ký chi bộ” là sử dụng theo từ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, trang 147. Đây là tên gọi của Bí thư chi bộ lúc đó.

(2) Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1954), Nxb QĐND, Hà Nội, 2009, trang 60.

(3) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Sđd, trang 153.

(4) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Sđd, trang 154.

(5) Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944-1954), Sđd, trang 59.