Đất nước thống nhất, Quân đội thực sự là lực lượng xung kích, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều vùng, miền của cả nước, nhất là trên các địa bàn xung yếu, chiến lược. Thời kỳ đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng quan trọng này. Công tác tham gia sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong toàn quân, có bước phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng trong giai đoạn mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân đội đã thành lập một số đoàn kinh tế - quốc phòng và xây dựng hàng chục khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển và hải đảo. Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân, hình thành hàng trăm điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, các địa bàn xung yếu; kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc và tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình và của Quân đội nói chung trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các cơ quan, đơn vị toàn quân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, đẩy mạnh công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong các cuộc kháng chiến, trước các nhiệm vụ tác chiến rất nặng nề, đầy gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, gắn bó máu thịt với nhân dân, tích cực vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ và tham gia kháng chiến, kiến quốc dưới nhiều hình thức theo điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, từng vùng miền, từng đơn vị. Quá trình đó đã tạo nên mối quan hệ mật thiết quân - dân như cá với nước. “Đội quân công tác” đã phát huy hiệu quả, trở thành một động lực to lớn cả về tinh thần và vật chất để Quân đội trưởng thành nhanh chóng và chiến thắng vẻ vang, hoàn thành mọi sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
 |
Vùng Cảnh sát biển 3 trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân. Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, các cơ quan đơn vị trong toàn quân đã triển khai nhiều chương trình, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng, có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu có thể kể đến như: Giúp dân hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới; Bộ đội Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển; Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân; Điểm dân cư liền kề chốt biên phòng, chốt dân quân biên giới; Tăng cường gắn kết, thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo; Hũ gạo gắn kết; Nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân dân, nhà cho người nghèo khu vực biên giới; Tết quân dân; Bệnh xá quân - dân y; Con nuôi đồn Biên phòng, nâng bước em tới trường; Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương; Phụ nữ Quân đội đồng hành cùng phụ nữ biên cương…
Quân đội còn tích cực tham gia và đóng vai trò quan trọng trong công tác cứu hộ - cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh cùng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác. Công tác này được xác định là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của những người lính, có tầm quan trọng đặc biệt được các cơ quan đơn vị trong toàn quân triển khai thường xuyên, liên tục, xuyên suốt, từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới vùng sâu vùng xa, từ biên giới tới hải đảo. Giai đoạn 2004-2023, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục trên 300 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, hơn 63.000 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động trên 4 triệu lượt người và hơn 170.000 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và trên 6.000 phương tiện, trong đó Quân đội tham gia chiếm 83%, cứu được 56.788 người và gần 5.000 phương tiện... Sự cố phát tán thủy ngân do cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông (8-2019), Quân đội đã điều động 1.353 lượt cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Hóa học cùng các trang thiết bị chuyên dụng, thu gom được 111 tấn hóa chất độc; khắc phục, xử lý, bảo đảm cho khu vực phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội trở lại hoạt động bình thường...
 |
Bộ đội Hóa học phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi có nhà của bệnh nhân mắc Covid-19. |
Đặc biệt, trong những ngày đại dịch Covid-19 hoàn hành, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó triển khai 18 bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân với gần 23.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia khám chữa bệnh và gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tiêm chủng. Quân đội còn điều động 116.515 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh và hơn 46.000 cán bộ, chiến sĩ tuần tra biên giới, đảm bảo an sinh xã hội, hỏa táng, vận chuyển tử thi, chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân[1].
Hoạt động “chiến đấu giữa thời bình” của các đơn vị quân đội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và tiếp tục tỏa sáng truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, tích cực tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hoàn bình của Liên hợp quốc, hoạt động các quân nhân Việt Nam tại các phái bộ không những chứng minh tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của Liên hợp quốc mà còn thể hiện tinh thần, ý chí, phẩm chất của con người Việt Nam, góp phần lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế.
Dù gặp không ít khó khăn, cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp Quân đội không ngừng đổi mới, nâng tầm quản trị doanh nghiệp, hội nhập, xung kích thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, nhất là ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của các doanh nghiệp Quốc phòng ngày càng được nâng cao, khẳng định uy tín, vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường nguồn lực cho đất nước.
Nhiều doanh nghiệp Quân đội năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, mở rộng thị trường đầu tư, trở thành đối tác kinh tế có uy tín cả ở trong và ngoài nước. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp Quân đội đã tiên phong tham gia phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là ở các vùng biển, đảo xa bờ. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia; nhận chuyển giao công nghệ, vươn lên nắm bắt, làm chủ nhiều công nghệ lưỡng dụng, tiên tiến, hiện đại; nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều sản phẩm tiên tiến, chất lượng cao phục vụ quốc phòng và đời sống dân sinh, kết hợp hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên từng địa bàn và cả nước. Một số doanh nghiệp quân đội đã tham gia phát triển vào các lĩnh vực mũi nhọn của đất nước như dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đóng tàu, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm của đất nước, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa tạo ra những sản phẩm kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống của người lao động, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.
 |
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. |
Có thể kể một số doanh nghiệp Quân đội tiêu biểu trên các lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Sông Thu, Tổng công ty Hồng Hà, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, một số nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật... đang khẳng định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Những thành quả nêu trên đã khẳng định vai trò của Quân đội trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, là thực tiễn sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc huy động Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước, và thực sự đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư của đất nước, góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
(còn nữa)
Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC, Viện Lịch sử Quân sự
[1] Các số liệu dẫn theo Trung tướng Doãn Thái Đức, Cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình” của Quân đội đăng trên cổng thông tin điện tử Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày 5-12-2023.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.