Trong văn học, thời gian luôn là một yếu tố nghệ thuật được người cầm bút đề cao và thường xuyên đưa vào tác phẩm. Phần vì thời gian luôn luôn có mặt và đồng hiện trong từng khoảnh khắc sống của con người; phần quan trọng không kém, thời gian chính là ký ức và làm nên ký ức của mỗi chúng ta. Đời sống sẽ đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí là vô nghĩa nếu chúng ta không có ký ức.

Với một nhà thơ, ký ức càng trở nên quan trọng, đó là trí nhớ của trái tim và bởi “trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”. Thơ là một hình thức nghệ thuật tái tạo lại ký ức. Mỗi người viết sẽ mang trong mình những ký ức riêng, điều đó phụ thuộc vào trải nghiệm sống của mỗi người. Nhưng sẽ trở nên đáng nói hơn khi ký ức của người viết chính là ký ức của dân tộc, của lịch sử. Khi ấy, thơ mang đến những đại tự sự. Rất nhiều đại tự sự được nhắc nhớ, được lưu giữ bởi ký ức của thi nhân. Đại tự sự có vai trò to lớn trong cách tư duy của con người, trong cách con người cảm nhận thế giới. Sở dĩ tôi có sự mở đầu bài viết này bằng ký ức bởi trong những ngày tháng Bảy này, đọc bài thơ "Tháng Bảy" của tác giả Nguyễn Đăng Độ, tôi thấy ở đó là ký ức của cả dân tộc mình.

 Tác giả Nguyễn Đăng Độ.

Là một người lính, Nguyễn Đăng Độ đã từng có những câu thơ mang đậm chất lính, khắc hoạ hình ảnh, tâm hồn người lính hết sức gần gũi và dung dị. Có thể thấy, một phần quan trọng trong thơ anh đã dành cho người lính. Khi anh viết về những người lính đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc, có điều gì như trĩu nặng, như nao níu lòng ta. Bài thơ được bắt đầu bằng dấu mốc thời gian “tháng Bảy” - mà ta có thể cảm nhận đó là “thời gian nghệ thuật” trong thơ Nguyễn Đăng Độ:

Tháng Bảy về xin thắp nến tri ân

Gió chia cắt hai chiều âm dương cách biệt

Những người lính xả thân vì cuộc chiến

Thân xác gửi vào rừng thẳm núi hoang

Từ điểm nhìn thời gian là tháng Bảy, tác giả trang nghiêm, bồi hồi, rưng rưng thắp lên trong lòng dân tộc Việt ngọn nến tri ân những Anh hùng liệt sĩ. Lúc này, tháng Bảy đã được nhắc đến như là thời gian biểu tượng chứ không còn là thời gian của tự nhiên, của tuần tự. Khi những ngọn nến thực tại và cả những ngọn nến lòng được thắp lên là khi trong ta gọi về bao nhiêu cảm xúc. Ngọn nến tưởng nhớ ấy mang đến ánh sáng, mang đến sự ấm áp nhưng đồng thời cũng gợi nhắc sự cách biệt âm dương. Ngọn nến lúc này như là sự tương giao tâm linh để người sống gửi gắm nỗi lòng đến người đã khuất, và ngọn nến ấy cũng là nguồn cơn để cảm xúc được ngân lên. Lúc này mọi thứ như đã nhoà đi bởi trong thời khắc tưởng nhớ ấy, chúng ta thường trở nên đắm chìm vào ký ức, ở đây cụ thể là ký ức của dân tộc, của lịch sử đau thương.

Ý tại ngôn ngoại, ở đây thơ Nguyễn Đăng Độ nói được rất nhiều điều. Chỉ với thời gian được đề cập đến là tháng Bảy và những ngọn nến tri ân, thì ngay cả trong tâm thức của những người không trải qua chiến tranh cũng vẫn có thể hình dung ra ký ức của dân tộc mình. Và trong khoảnh khắc tưởng nhòa đi ấy, thì gió, một chủ thể vô hình lại như đang khắc sâu thực tại, gió tưởng hư vô mà lại rạch ròi nhất chia cắt âm - dương. Bạn đọc cũng chớ nên giới hạn sự tưởng tượng của mình vào một cơn gió cụ thể nào đó mà hãy để cho những cơn gió lòng thổi xa hơn bởi thơ Nguyễn Đăng Độ luôn có một độ ảo cần thiết.

Bên cạnh sự chân thực của bối cảnh và cảm xúc, độ ảo ấy chính là biên độ của những liên tưởng mà thơ tạo ra. Biên độ liên tưởng càng lớn thì mức độ lan tỏa của thơ càng rộng, thơ càng nói được nhiều điều. Mà điều quan trọng của thơ ca chính là tạo ra được trùng điệp hình ảnh/ý nghĩa cho bạn đọc.

Cảm giác bi tráng xen cùng mất mát, đau thương, hơi hướm của anh hùng ca được thể hiện trong sự tưởng nhớ:

Những người lính xả thân vì cuộc chiến

Thân xác gửi vào rừng thẳm núi hoang

Từ xa xưa, mộng anh hùng luôn gắn với giang sơn, chí trai vẫy vùng sông núi. Thơ Nguyễn Đăng Độ vừa gợi đến mộng anh hùng từ thuở xa xưa vừa khắc hoạ hình tượng người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh. Một đất nước bốn ngàn năm xây dựng và giữ gìn, biết bao máu xương đã đổ, một đất nước rạng rỡ như hôm nay là bởi nơi núi hoang rừng thẳm đã hàng ngàn người con trai, con gái nằm lại… Thiêng liêng đến thế và cũng xót xa đến thế.

Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Đăng Độ tạo nên nhịp điệu của tác phẩm. Nhịp điệu chứa đựng sự lặp lại có biến đổi của các yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh gợi ra cảm giác về sự vận động của đời sống và cảm nhận thẩm mỹ của tâm hồn người viết. Nhịp điệu ấy khiến bài thơ trở nên trữ tình hơn, da diết hơn, sâu lắng hơn và cũng ám ảnh hơn. “Tháng Bảy” được lặp lại nhưng ở đây tháng Bảy đã là thời gian của tâm tưởng:

Tháng Bảy về xin thắp nén tâm nhang

Nắng lửa đừng thiêu khô hàng hàng bia mộ

Cho cây cỏ tươi nguyên bên biển xanh lộng gió

Cho linh hồn người lính mãi bình yên

Nén tâm nhang được thắp lên với ước mong cho những người lính được bình yên giấc ngủ cùng sông núi. Nén tâm nhang ấy còn chứa đựng biết bao nguyện ước lớn lao được nén chặt trong những câu thơ mang mang, tha thiết. Những câu thơ như một điệu ru vốn luôn tàng ẩn trong tâm hồn Việt. Từng câu, từng chữ theo nhau hợp lại tạo nên “không gian nghệ thuật” cho tác phẩm. Đó là một không gian đa thanh, đa sắc có nắng lửa khô khát nhưng cũng có cỏ cây tươi nguyên biển xanh lộng gió. Như một điệu ru có thăng trầm, có niềm đau nhưng cũng không nguôi hy vọng.

Nhắc đến điệu ru là gợi nhắc đến người mẹ. Tác giả Nguyễn Đăng Độ không dẫn dụ người đọc bằng những liên tưởng thông thường mà là những liên-tưởng-thơ:

Đừng khóc nữa mẹ ơi xin gió chớ ưu phiền

Chúng con lớn lên đã chiến tranh gầm rú

Gạo sấy lương khô ba lô sờn cũ

Mọi chân trời rực lửa đạn bom rơi

Người mẹ đã xuất hiện trong bài thơ nhưng không bằng lời mẹ ru như chúng ta thường gặp. Tôi muốn nhấn mạnh đến “điệu ru” ở trên đã nhắc. Bài thơ vốn đã mang sẵn một điệu ru, và ở đây “đừng khóc nữa mẹ ơi…” giống như một điệu ru xoa dịu nỗi đau của người mẹ. Tác giả Nguyễn Đăng Độ đã mở rộng biên độ của quan niệm quen thuộc. Phải chăng mọi nỗi đau trên cuộc đời này đều cần lắm một điệu ru để sẻ chia, an ủi, vỗ về, thấu suốt… Điệu ru ấy không còn đơn thuần là mẹ ru con mà là điệu ru được hình thành nên từ tình yêu đất nước, từ điệu hồn của dân tộc Việt Nam. Điệu ru ấy sẽ song bước đồng hành cùng mỗi người để chúng ta tự vượt qua được những trắc trở, tự lớn lên từ những thương đau. Và điệu ru ấy chính là đại diện cho tinh thần Việt Nam, hồn vía người Việt.

Những đứa con sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, đã thấm thía những nỗi đau của dân tộc mình đã chọn ra đi cho dẫu “Mọi chân trời rực lửa đạn bom rơi”. Điệu ru của dân tộc đã nuôi dưỡng những đứa con khôn lớn và cũng điệu ru của dân tộc nâng bước những đứa con ra đi. Vẻ đẹp ẩn khuất trong tận cùng sự lựa chọn ấy. Trong tâm thế một đứa con, một người lính, tác giả Nguyễn Đăng Độ là người trong cuộc. Thơ sẽ chỉ là một sự làm dáng của ngôn từ nếu như người viết không cất lên tiếng lòng của người trong cuộc, tiếng nói nội tại từ bên trong mình.

Mạch thơ trở nên hào hùng, trùng điệp hơn ở khổ thơ tiếp theo. Điều đó thể hiện sức mạnh của thế hệ, sức mạnh của dân tộc, ý chí của những người lính, và còn điều gì nữa?

Tháng Bảy còn đây vang khúc hát một thời

Những người lính ào ào xung trận

Tổ quốc linh thiêng chẳng phút giây vương vấn

Sống làm người khi chết hóa đất đai

Cuộc chiến một thời trĩu nặng hai vai

Điện Biên - Lai Châu - Khe Sanh - Quảng Trị

Những cái tên trộn máu hồng chiến sĩ

Để Tổ quốc trường tồn muôn thuở tháng năm

Chúng ta thấy ở đây một tinh thần cảm tử “Sống làm người khi chết hóa đất đai”. Câu thơ nhắc cho chúng ta nhớ, mỗi tấc đất hôm nay chúng ta sống, đều thấm đẫm máu xương của bao người. Khi đã chọn ra đi là người lính đã chọn sống cho Tổ quốc, và ngay cả khi ngã xuống họ cũng nguyện hóa thân vào đất. Còn gì quý hơn đất, thiêng liêng hơn đất - nơi bắt đầu sự sống. Lịch sử còn ghi bao cuộc chiến tranh đẫm máu chỉ để chúng ta dành giữ lấy từng tất đất quê hương. Có thấu hiểu điều đó mới thấy thơ Nguyễn Đăng Độ đằm sâu trong ý, từ ý để khắc họa hình, từ hình ảnh mang tính tượng trưng để đi tìm biểu tượng.

Cái “trĩu nặng” của cuộc chiến là điều mà mỗi chúng ta đều cảm thấy trong thơ Nguyễn Đăng Độ. Và cấp độ ấy càng tăng lên theo dòng hồi tưởng của người viết. Thơ không chỉ là hình thức mà thơ phải bắt đầu từ ý tưởng. Có ý tưởng rồi cảm xúc sẽ dẫn nhà thơ đi. Đối tượng của thơ không phải những mộng mị ảo tưởng mà chính là thực tế thiêng liêng. Thực tế thiêng liêng ấy là “tháng Bảy” với những hồi tưởng không dứt… Hồi tưởng ấy không phải để kể lại cuộc đời dằng dặc mà chính xác là phải cho bạn đọc thấy ý nghĩa của cuộc đời mà họ đang sống được đánh đổi bằng “máu hồng người chiến sĩ” để có sự “muôn thuở” cho chúng ta.

Thơ, sau cùng nên là sự lắng đọng. Vậy thì từ những gì diễn giải ở trên, thơ Nguyễn Đăng Độ đưa đến cho bạn đọc điều gì? Không có câu chuyện nào của con người mà thơ không thể chạm đến. Nhưng câu chuyện ấy được nói đến trong thơ như thế nào thì đó là vấn đề của người cầm bút. Đại tự sự trong nghệ thuật là câu chuyện chung nhưng cách nhìn đại tự sự lại phụ thuộc vào cảm quan của người viết. Cách mà tác giả Nguyễn Đăng Độ chọn để khép lại bài thơ này là cách để anh mở ra cho chúng ta những tình cảm mà nhiều lúc tưởng như chúng ta đã bị đời sống hôm nay che khuất đi rất nhiều.

Nén hương này xin cúi lạy các anh

Những người lính gửi thân nơi rừng già vực thẳm

Những người lính hy sinh cho muôn loài tươi thắm

Đất nước nở hoa thơm thảo mọi con đường.

Có nhiều lúc, sống trong sự giàu đẹp của đất nước nhưng ít khi chúng ta tự đặt câu hỏi, vì sao chúng ta có được sự giàu đẹp này? Không bất ngờ, không bóng bẩy, tác giả bài thơ chọn cách nói giản dị nhất để bộc lộ sự thành tâm và biết ơn. Giản dị nhưng không phải ai cũng làm được bởi đó là hành trình sống. Anh đã chọn cách giãi bày chân thật nhất, cảm xúc nhất. Bởi anh đã sống như thế, đã chọn như thế để nhận ra vì đâu “đất nước nở hoa thơm thảo mọi con đường”…

KIM NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.