Nhà thơ Yên Thao tên thật là Nguyễn Bảo Thịnh, quê ở “làng khoa bảng” Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). 18 tuổi ông tham gia kháng chiến, theo học Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam (Trường Sĩ quan Lục quân 1 hiện nay). Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông được điều về làm báo, công tác văn nghệ ở Liên khu 3. Sau Ngày giải phóng Thủ đô, ông chuyển sang làm Báo Hànộimới, giữ chức Trưởng ban Bạn đọc cho đến khi về hưu năm 1990.
Theo lời nhà thơ Yên Thao, bài thơ “Nhà tôi” được sáng tác vào mùa đông năm 1949, khi ông bám theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp cạnh sông ở một làng đồi. Trong lúc đợi giờ nổ súng, ông trò chuyện với anh em chiến sĩ và được biết ở đơn vị có một người lính quê ở ngay làng. Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Người lính lấy vợ được chừng một tháng thì lên đường đi kháng chiến. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc tới giàn thiên lý của nhà mình. Ông rất thích câu chuyện, cấu tứ để sáng tác bài thơ "Nhà tôi". Bài thơ đăng báo, được cán bộ, chiến sĩ yêu thích, chép tay, truyền miệng rộng khắp. Nhà thơ danh tiếng Xuân Diệu rất thích bài thơ này, có nhắc đến trong tiểu luận viết về thơ bộ đội. Mức độ nổi tiếng của bài thơ “Nhà tôi” có thể thấy khi được in trong nhiều tuyển tập thơ ca cách mạng.
 |
Minh họa: Phùng Minh. |
Bài thơ “Nhà tôi” sau đó được phổ nhạc thành bài hát “Chuyện giàn thiên lý” nổi tiếng, nhưng ít người biết ý thơ là của nhà thơ Yên Thao. Thơ với nhạc đúng là có sự tương đồng về tính nhạc, nhưng đây là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, có quy luật sáng tạo riêng biệt. Giả dụ không có bài hát thì bài thơ “Nhà tôi” đứng độc lập vẫn có giá trị nghệ thuật, bởi đây là bài thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng thời kỳ chống Pháp nói chung, dòng thơ bộ đội nói riêng.
Cũng giống như các bài thơ: “Nhớ Bắc” (Huỳnh Văn Nghệ); “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây” (Quang Dũng); “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan); “Ngày về”, “Đồng chí” (Chính Hữu); “Đất nước”, “Nhớ”, “Không nói” (Nguyễn Đình Thi)…, “Nhà tôi” kế thừa tính lãng mạn của phong trào Thơ mới nên tràn ngập bài thơ là thi ảnh, thi liệu giàu tính trữ tình, như: “Tre, cau buồn tóc rũ ướt mưa sương/ Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường”. Đặc trưng của tính lãng mạn là đề cao cảm xúc cá nhân, hoài niệm quá khứ, mơ tưởng tương lai tươi đẹp… Thế nên khi người lính trở về làng quê đang bị giặc chiếm, đau xót khi quê hương tươi đẹp bị tàn phá, nhớ thương người vợ, người mẹ cùng những ngày bình yên bên nhau là điều dễ hiểu.
Điểm khác biệt của dòng thơ bộ đội là tính cá nhân bắt đầu nhường chỗ cho tính sử thi. Vai trò người chồng, người con tạm gác để nổi lên vai trò người lính chiến-nhân vật trung tâm, hình tượng chủ đạo của văn học cách mạng. Người lính gắn với chiến tranh, giết giặc trả nợ nước, thù nhà cho nên nổi bật tính hùng tráng, mạnh mẽ: “Tôi là anh lính chiến/ Theo quân về giải phóng quê hương/ Mái đầu xanh bụi viễn phương/ Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch”; dồn nén tình cảm riêng tư vì nghĩa lớn, biến đau thương thành hành động: “Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi/ Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ”.
Với nội dung mới, hoàn cảnh xã hội mới, thơ bộ đội thời chống Pháp tất yếu phải có một hình thức mới. Thay vì những câu thơ được đẽo gọt vần điệu, cân xứng hài hòa của phong trào Thơ mới, thơ bộ đội như bài “Nhà tôi” là điển hình thơ tự do, thoải mái độ ngắn-dài câu thơ, kết hợp các thể thơ khác nhau, cốt làm sao diễn tả tâm trạng, tình ý chứ không “chạy theo” vần điệu hay quy phạm: “Tôi còn người mẹ/ Tóc đã ngả màu bông/ Tuổi già non thế kỷ/ Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong/ Nắng mưa từ buổi tang chồng/ Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon”. Tính linh hoạt của bài thơ thể hiện rất rõ khi xen lẫn giọng kể chuyện, giọng hỏi, giọng nhắn nhủ: “Anh rót cho khéo nhé/ Kẻo lại nhầm nhà tôi!/ Nhà tôi ở cuối thôn Đồi/ Có giàn thiên lý, có người tôi thương”.
Những đặc trưng của thơ bộ đội chống Pháp sau đó lại được thế hệ nhà thơ chống Mỹ như: Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân… tiếp thu, đổi mới khác biệt. Vai trò mở đường của thơ chống Pháp đã được thừa nhận, đặt nền móng phát triển của thơ ca cách mạng. “Nhà tôi” có sự kết hợp tài tình, hài hòa, giàu tính nghệ thuật các yếu tố tưởng chừng đối nghịch, xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất thời chống Pháp, sẽ còn được hậu thế nhắc nhớ.
HÀM ĐAN
Nhà tôi
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không?
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút màu xưa
Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ
Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
Ôi, xa xồi, mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly:
- Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc, con về mẹ vui.
Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi về mơ Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi! Mẹ tôi già!
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?
Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.
- Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh!
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn thiên lý, có người tôi thương.
(1949)
YÊN THAO