“Viếng bạn” được xem là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình đồng đội kể từ khi Quân đội ta được thành lập (ngày 22-12-1944). Bài thơ lần đầu tiên được in trong tập phóng sự có tên “Chặt gọng kìm Đường số 4”.

“Chặt gọng kìm Đường số 4” là tác phẩm viết về chiến thắng Đường số 4, về người chiến sĩ Vệ Quốc quân. Đọc những đoạn ghi chép về các trận đánh, như trận đèo Bông Lau, trận Bản Chu, Bản Nghịu... người đọc như còn nghe thấy tiếng vang của sắt thép, tiếng chát chúa của đạn súng trường và ngửi thấy mùi khói đạn. Hoàng Lộc đã ghi nhận một cách chân thực những cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trên Mặt trận Đường số 4. Viết về chiến tranh, Hoàng Lộc không dừng lại ở việc “tả trận” mà hướng ngòi bút của mình về phía con người.

Đọc “Chặt gọng kìm Đường số 4”, hình ảnh người chiến sĩ Vệ Quốc quân năm xưa cứ hiện dần lên trên từng trang, từng trang. Đó là những nhân vật chính của cuốn sách đi liền với các đơn vị đánh giặc và tìm hiểu được sát mọi người, mọi việc, bằng lối viết linh hoạt, ngắn mà vẫn phóng khoáng, bằng cách sử dụng ngôn ngữ quần chúng ngôn ngữ của người lính, tác giả đã dựng lại chân dung những người lính thời 9 năm, những chàng “vệ túm”, những người lính “áo nâu” thật điển hình; đồng thời nêu bật được những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong những ngày đầu xây dựng một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, những người lính mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn quen gọi bằng những cái tên trìu mến: “Bộ đội Ông Cụ”, “Bộ đội Ông Ké”...

Nhà thơ Hoàng Lộc. Ảnh tư liệu

“Chặt gọng kìm Đường số 4”, trong đó có bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc đã trở thành một trong những tác phẩm đầu tiên viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Giá trị của “Chặt gọng kìm Đường số 4” ngay từ khi ra mắt bạn đọc đã được đánh giá rất cao. Tác phẩm này của Hoàng Lộc “tuy cũ nhưng sẽ góp phần với những sáng tác khác để có thể phản ánh được hết Mặt trận Đường số 4 với suốt thời gian chiến tranh, bởi vì riêng thu-đông 1947 đã không có một sáng tác văn chương nào có giá trị tương đối bằng tập phóng sự của Hoàng Lộc”-đó là lời nhận xét của Nhà xuất bản Vệ Quốc quân khi xuất bản tác phẩm này (“Lời nói đầu” của nhà xuất bản trong tập “Chặt gọng kìm Đường số 4” của Hoàng Lộc, xuất bản năm 1950).

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên Báo Văn nghệ số Xuân 1950 đến nay, bài thơ “Viếng bạn” đã được đăng, được in lại tới cả trăm lần trên các báo, trong các tuyển tập thơ, sách giáo khoa, cả trong nước và ở nước ngoài (ví dụ trong Tạp chí Europe N387-388, August-1961). “Viếng bạn” được xem là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình đồng đội trong chiến đấu. Giá trị của bài thơ như thế nào thì đã được các nhà phê bình văn học, các thầy giáo, cô giáo phân tích, tìm hiểu. Nhưng có điều phải ghi nhận thêm là, ngay từ khi mới được công bố, bài thơ đã tạo được tiếng vang rất lớn, thức tỉnh trái tim của nhiều văn nghệ sĩ đầu quân kháng chiến trong những ngày đầu gian khổ, hy sinh. Nhà thơ Xuân Diệu đã ghi lại điều này trong một hồi ký của mình như sau: “Tôi còn nhớ một đêm dưới ánh đèn dầu, bên cạnh anh Nguyễn Huy Tưởng, ở làng Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, năm 1948, khi Tố Hữu đọc lên một bài thơ mới “Viếng bạn”, tôi phát biểu “chẳng thấy hay”. Tố Hữu đã rất bầu bạn làm trạng sư cho bài thơ, đưa tôi vào cái không khí của bài thơ; anh chầm chậm bình lại từng đoạn một, giúp tôi cảm xúc cái tình của bài thơ đặng cho tôi thành bà con, rồi ruột thịt của nó. Từ đêm ấy tôi vỡ lẽ ra dần, dần dần chuyển cách thức ăn nếm của mình:

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Những câu thơ ở trong một hệ khác thơ cũ; nó trong sáng, giản dị, mà nó tha thiết chân thành một tình cảm mới; tình đồng đội cách mạng. Bài thơ còn chưa biết tác giả là ai, đến Hội nghị văn nghệ bộ đội năm 1949 mới biết cái điều vui này: Hoàng Lộc, một thi sĩ trẻ trước Cách mạng Tháng Tám, đã từng làm thơ “cũ”, nay ở trong quân đội, viết văn, viết “Chặt gọng kìm Đường số 4”, trong đó anh ta đã đề bài thơ “Viếng bạn” này. Hoàng Lộc đã mất sớm vì bệnh lao phổi. Mấy anh em đồng chí của tôi ở giữa vườn cọ Phú Thọ đã rất yêu mến cái tiếng nấc chí tình này:

Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn”.

(Xuân Diệu - Đọc những bài thơ về bộ đội 1944-1974, Tạp chí Tác phẩm mới số 43-44, tháng 11-12 năm 1974).

Bài thơ “Viếng bạn” và tập phóng sự “Chặt gọng kìm Đường số 4” là kết quả của 3 năm tận tụy với kháng chiến, 3 năm lăn lộn trên các chiến trường, 3 năm sống cuộc đời chiến sĩ, vì chiến sĩ mà viết của Hoàng Lộc. Ghi nhận những cống hiến của ông, Báo Vệ Quốc quân số 58-59 (tháng 12-1949) trong cáo phó đưa tin Hoàng Lộc mất đã trân trọng viết: “... Anh Hoàng Lộc là một nhà văn ngay sau khi nổ tiếng súng Toàn quốc kháng chiến đã gia nhập bộ đội với công tác chuyên môn trong tờ báo Xông pha khu XII cũ, rồi Báo Bắc Sơn (Liên khu I) và Báo Vệ Quốc quân Trung ương. Thu-đông 1947, anh không quản khó nhọc gian nan đã theo những đơn vị bộ đội chiến đấu trên Đường số 4 để làm nhiệm vụ của một phóng viên nhà báo và đã viết được thiên phóng sự “Chặt gọng kìm Đường số 4”, trong đó có bài thơ “Viếng bạn” chan chứa tình yêu và lòng căm thù của một trung đội trưởng khóc một chiến sĩ hy sinh ở trận đánh. Bài thơ này được các nhà văn nghệ và bộ đội coi là một tác phẩm có giá trị...”.

Hơn 70 năm đã qua đi kể từ khi Hoàng Lộc nằm xuống (năm 1949) nhưng tiếng súng, tiếng thét xung phong trong “Chặt gọng kìm Đường số 4”, cũng như tiếng nấc nghẹn căm hờn trong “Viếng bạn” của ông vẫn còn văng vẳng đâu đây. Đọc lại những sáng tác của Hoàng lộc, người đọc hôm nay không nguôi nỗi nhớ về ông. Nhớ một thanh niên rất thư sinh; nhớ một nhà thơ trẻ đa cảm; nhớ một anh Vệ Quốc quân mũ sắt, áo trấn thủ “36 đường gian khổ”; nhớ một đồng chí “nhà báo trên khu với chiếc ba lô chiến lợi phẩm, chiếc máy ảnh cũ kỹ”; nhớ một ngòi bút-chiến sĩ đã sống cuộc đời chiến sĩ, vì chiến sĩ mà viết, viết cho chiến sĩ.

Cuộc đời chiến đấu, cuộc đời cầm bút của Hoàng Lộc không dài, vẻn vẹn chưa đầy 3 năm, và ông mất khi còn rất trẻ, mới chưa đầy 30 tuổi (1922-1949)! Nhưng Hoàng Lộc đã nêu một tấm gương sáng cho mỗi người cầm bút. Cùng với Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng... những “văn nghệ binh thứ nhất hy sinh nơi chiến trường”, những phóng viên trụ cột đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân, tên tuổi của Hoàng Lộc gắn liền với văn thơ kháng chiến, gắn liền với báo chí, văn chương viết về Bộ đội Cụ Hồ.

KIẾN VĂN