Ông đã trở về cõi vĩnh hằng với tâm thế một thi nhân mang trong mình những ước mơ đẹp đẽ của một trái tim nhiệt huyết, nhiều đam mê và khát vọng. Thế là “Những viên sỏi” của ông đã ngậm im nơi “đáy suối”. Từ nay ông trở về chốn thiên thu, trở về với cõi của mình như câu thơ ông viết: “Ta chính là ta ở miền tĩnh tại”.

Chỉ mới cách đây hai ngày, tôi và nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà thơ Phạm Quỳnh Loan đến thăm ông tại nhà riêng. Khi ấy ông còn tỉnh táo, nhận biết từng gương mặt bạn bè, nói được vài câu rất rõ ràng. Tôi còn động viên ông ăn uống thật tốt, tinh thần thanh thản để khỏi bệnh, bạn bè nhiều người trông chờ ông nhiều lắm... Vậy mà hôm nay ông đã ra đi...

Nhà thơ Trần Quang Quý. Ảnh: Thanh Liên 

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi, trong một gia đình nông dân có 6 người con ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Tuổi thơ ông đi qua những năm tháng nhọc nhằn thời bao cấp. Chính những tháng năm chật vật, nghèo khó ấy đã rèn đúc cho con người ông có một ý chí kiên cường, một nghị lực sống mạnh mẽ, khả năng chịu đựng để vượt lên những thách thức của cuộc đời. Nó giúp ông nhận ra những giá trị chân thực nhất. Nó nuôi dưỡng, vun xới tâm hồn ông đến với tình yêu thơ ca mạnh mẽ, say đắm.

Làm thơ từ khi còn trẻ, nhưng phải ngoài 40 tuổi, Trần Quang Quý mới thành danh. Đối với ông, thơ ca là nghiệp lại cũng là nghề. Bằng ý chí và nghị lực, cùng niềm tin yêu vào cuộc sống, vào con đường đã chọn, vào cái đẹp và nỗi khát khao tình yêu thơ ca, Trần Quang Quý đã tạo dựng cho mình một khuôn mặt thơ ca hiện đại riêng, khác.

Đối với Trần Quang Quý, một nhà thơ đích thực phải là nhà thơ không chịu khuất phục những sáo mòn cũ kỹ. Khi ngồi trước trang giấy, có cảm giác ông phải chật vật, vất vả để tìm ra những chữ có đời sống mới. Những chữ, những lời trong thơ Trần Quang Quý khá đặc biệt kiểu như: “Những chiếc lưỡi đi qua ngàn từ vựng”, “Giấc mơ hình chiếc thớt”, “cơn bão ngôn từ”, “lề đóng ngoặc”, “em gánh trăng về phơi mắt quê”...

Nhờ vào bản năng thi sĩ, đằng sau những câu chữ là một trái tim nhạy cảm, một sự dấn thân cho thơ ca, những ngẫm ngợi sâu sắc về con người và xã hội thời hiện đại. Cho đến nay, Trần Quang Quý đã xuất bản 12 tập thơ và vài tập văn xuôi. Ông từng đoạt Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật. Ông là một trong những giương mặt thi ca quan trọng trong những năm đầu thế kỷ 21, đóng góp đáng kể cho thơ ca dân tộc. Thơ Trần Quang Quý là lời tâm sự, day trở, băn khoăn. Ông luôn khao khát được tự do, được dọc, ngang đi tìm cái mới, không thỏa hiệp với cũ kỹ, nhàm chán.

Những bài thơ “Viết tặng em trong ngôi nhà chật”, “Gọi sẻ”, “Cổ tích làng”, “Bài hát tháng mười”, “Đêm ở làng” là những bài thơ hay của Trần Quang Quý. Nó thuyết phục bạn đọc không chỉ vì cách nói mới, viết mới mà còn ở sự chân thực, thấm đượm tình người, tình mẹ, tình quê hương xứ sở: “Em nấu bếp nhìn anh trong mắt ướt/ Thế là chiều Hà Nội bớt lang thang”...

Nhà thơ Trần Quang Quý không chỉ thuần túy làm thơ. Ngoài thơ ca, ông còn làm báo, từng giữ chức tổng biên tập. Thời gian làm việc ở Báo Gia đình và Xã hội có lẽ là thời gian làm báo sung sức nhất của ông. Tờ báo đã mang lại hơi thở mới mẻ trong làng báo chí, ghi dấu ấn đậm nét với bạn đọc cả nước...

Với tôi, Trần Quang Quý là bạn thân. Tôi, Trần Quang Quý, Trần Quang Đạo từng gắn bó với nhau từ thời còn trẻ, có nhiều kỷ niệm đẹp không thể quên. Chính sự đam mê và dấn thân trên con đường thơ ca của Trần Quang Quý đã làm nảy sinh trong ông niềm khoái cảm sáng tạo vô tận. Ngay cả những ngày tháng phải gồng mình đối đầu với căn bệnh quái ác, Trần Quang Quý vẫn không ngừng viết, thậm chí còn viết nhiều, viết khỏe hơn giai đoạn trước. Mỗi bài thơ của ông là một nỗi niềm, là sự khắc khoải của cõi người, cõi đời. Những bài thơ ấy sinh ra từ sự chiêm nghiệm, sự từng trải qua thời gian. Thơ ông làm cho con người thấy cuộc sống có ý nghĩa, có khát vọng và yêu thương nhau hơn. Nó không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, cái vô cảm. Nó đề cao sự sống, tôn trọng lẽ phải và sự thật, vào phẩm giá con người.

Vĩnh biệt Trần Quang Quý, vĩnh biệt một trái tim nhiệt huyết và đam mê, hết lòng cho thơ ca. Suốt 3 năm trời dài dặc, cho dù phải khổ sở, đau đớn vì bệnh tật hành hạ, ông vẫn luôn tin vào sự sống, tin vào cái đẹp của thơ ca. Ông không ngừng đốt lên ngọn lửa soi sáng sự sáng tạo. Nó là nguồn ánh sáng vô tận đối lập với bóng tối và sự lãng quên. Nó đánh thức lòng trắc ẩn trong ông: “Ánh sáng len lỏi vào ngõ quen, vào ngóc ngách vô cảm/ Đánh thức bản nguyên/ Cởi nút thắt bóng tối nằm hoang muội trong bức tường câm thức/ Ánh sáng dẫn tôi bò qua những con dốc nhịp thở/ Gõ cửa trái tim cảm hứng/ Bánh xe trật tự khởi quay/ Và bật dậy trong tôi những lãng quên biền biệt chân trời... ”. Đó chính là thứ ánh sáng khao khát vươn tới cái đẹp của con người.

Vĩnh biệt ông! Vĩnh biệt một tài năng thơ ca! Vĩnh biệt một trái tim luôn đau đáu, dành hết tâm huyết và dâng hiến trọn vẹn tâm hồn mình cho thơ, cho cái đẹp. Nó thôi thúc con người vượt lên mọi nỗi đau trần thế để hướng tới những giá trị sống nhân bản, chân chính. Quý ơi! Thanh thản về “Nguồn” bạn nhé, về với đất đai nơi tổ tiên của bạn đang chờ ở đó: “Tôi ngờ ngợ giữa đóng và mở của những huyền bí/ Nhưng chính tôi chính tôi/ Vừa nghe tiếng tổ tiên trong đất”.

Hà Nội, đêm 10-9-2022

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI