Tham dự Lễ hội Chùa Hương năm 2025, chúng tôi được nghe giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Đoài xưa. Sau các tiết mục biểu diễn, tôi nghĩ trưởng phường rối phải là một người lớn tuổi, nhưng thật bất ngờ, tất cả đều chỉ về một người đàn ông ngoài 30 tuổi mặc áo dài truyền thống, anh Phạm Công Bằng. Hỏi ra mới biết, khi được phong nghệ nhân, anh Phạm Công Bằng là Nghệ nhân Ưu tú trẻ nhất Việt Nam. Anh là con trai út của ông Phạm Văn Bể, người có công giữ và làm sống lại nghề múa rối cạn truyền thống làng Tế Tiêu.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối thì có tới 5 di sản rối nước. Duy nhất có phường rối Tế Tiêu có rối cạn. Rối cạn Tế Tiêu ra đời cách đây khoảng 400 năm, đến nay vẫn được người dân làng gìn giữ, phát triển. Năm 2021, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Biểu diễn múa rối cạn Tế Tiêu tại Lễ hội Chùa Hương năm 2025.

Rối cạn Tế Tiêu "dễ mà khó". Dễ ở chỗ là không như rối nước, sân khấu của rối cạn chỉ cần căng phông, dựng bạt là có thể diễn ở bất cứ nơi nào. Còn khó bởi rối Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của sân khấu, quân rối, trò, tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại... Một vở múa rối cạn tuy chỉ kéo dài từ 3 đến 5 phút nhưng đòi hỏi người trình diễn phải chuẩn bị, luyện tập vài tuần đến vài tháng.

Chủ đề của các vở diễn múa rối cạn thường gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất hay những vở diễn từ các truyện cổ tích, ngụ ngôn mang tính chất giáo dục cao. Điểm khác biệt rõ nét của rối cạn Tế Tiêu so với các phường rối khác là rối tuồng. Nếu như các phường rối thường diễn các tích chèo cổ thì rối Tế Tiêu lại diễn các tích tuồng cổ. Rối Tế Tiêu tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển. Việc chuyển hóa chất tuồng vào nghệ thuật rối được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên. "Rối tuồng là loại hình diễn xướng rất khó. Khó từ tạo hình con trò đến vũ đạo và hát. Đặc biệt, nghệ thuật tuồng đề cao yếu tố vũ đạo. Các động tác của mỗi nhân vật lại có đặc trưng riêng. Muốn diễn thành thục, phải mất nhiều năm luyện tập", nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết.

Ở Tế Tiêu, rối được đời trước truyền dạy cho đời sau. Phường rối Tế Tiêu hiện có khoảng 20 thành viên, từ già tới trẻ. Phường rối lưu giữ được hàng nghìn con rối rất sinh động, trong đó có khoảng 100 con rối cổ. Trong hơn 100 tích trò của rối Tế Tiêu có hơn 20 tích trò là rối tuồng cha ông để lại như: Chém tá trích trong vở tuồng Sơn Hậu, Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân... Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, ví, kịch... Bên cạnh những vở diễn truyền thống, người Tế Tiêu còn sáng tạo và biểu diễn những vở rối mới, phản ánh đời sống xã hội đương đại, trẻ trung, hiện đại, vui tươi để đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là những người xem trẻ.
Bài và ảnh: VÂN NAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.