Khởi nguồn từ những điều bình dị nhất

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật múa rối truyền thống xuất hiện vào khoảng thế kỷ XI - XII, gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Tư liệu lịch sử cho thấy, loại hình này phát triển mạnh mẽ nhất vào thời Lý - Trần. Đặc biệt, vào năm 1121, múa rối nước đã được biểu diễn mừng thọ Vua, minh chứng là dòng chữ Hán khắc trên bia đá triều Lý, hiện lưu giữ tại chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam).

Thủy đình tượng trưng cho mái đình của nông thôn Việt Nam là nơi biểu diễn rối nước.  

Được hình thành từ trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của ông cha, múa rối nước ban đầu chỉ là thú vui dân dã của người nông dân, biểu diễn trong các lễ hội, ngày vui, dịp hội làng, mang đến tiếng cười và niềm vui sau những ngày lao động vất vả.

Từ những con rối thô sơ ban đầu, múa rối nước dần phát triển thành các phường rối với những tích trò sinh động, độc đáo. Đến nay, múa rối nước đã trở thành di sản văn hóa "độc nhất vô nhị", được gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị như một biểu tượng nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.

Hồn nhiên như rối nước 

Khi thưởng thức múa rối nước, khán giả như được trở về với không gian bình dị, hồn nhiên của một làng quê dân dã.

Sự hồn nhiên ấy được thể hiện qua những con rối gỗ rực rỡ sắc màu, biết nói, cười đùa, trèo cây, bắt ếch, câu cá, khiêng kiệu và đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình.

Con rối đục từ gỗ sung, được nghệ nhân điểm tô sống động với nhiều màu sắc.

Những con rối được chế tác từ gỗ sung - loại gỗ nhẹ có khả năng nổi trên nước.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, gỗ được đục, đẽo thành những hình dáng cách điệu độc đáo, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí bằng lớp sơn nhiều màu sắc, làm nổi bật đường nét và cá tính riêng của từng nhân vật.

Các con rối thường mang dáng vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, vừa hài hước, vừa đậm chất biểu tượng. Bước ra từ buồng trò hay thủy đình, những con rối đồng diễn tưng bừng, náo nhiệt, nối đuôi nhau trong những bộ xiêm y có cánh lộng lẫy, rồi cả rồng phun lửa, gia đình công phượng sặc sỡ...

Mỗi con rối như “sống” trên mặt nước huyền ảo, có cảm xúc và câu chuyện riêng, vừa giản đơn mà lại sâu lắng, khó quên. 

Phần trình diễn rối nước độc đáo tại Nhà hát Múa rối nước Thăng Long.

Xem múa rối nước, khán giả như được thả hồn vào không gian thiên nhiên, hòa mình vào những nhân vật ngộ nghĩnh.

Cùng với đó là tiếng nhạc chèo, dân ca êm dịu, giúp thanh lọc tâm hồn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Với người lớn, tìm đến rối nước là tìm lại những hồn nhiên của một thời xưa cũ, sống lại những ngày tháng lao động nhọc nhằn mà vô tư, sau khi đã trải qua đủ “hỉ, nộ, ái, ố”.

Trẻ nhỏ thì say mê trước những con rối đầy màu sắc, vui cười rộn rã trong niềm phấn khích. Còn với du khách quốc tế, múa rối nước mở ra một cánh cửa bước vào đời sống văn hóa phong phú của người Việt, nơi những nét mộc mạc, tài hoa và sáng tạo được hòa quyện một cách tinh tế. Đó không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật, mà còn là hành trình khám phá tâm hồn Việt Nam qua từng giọt nước, điệu nhạc và nụ cười rạng rỡ trên sân khấu.

Du khách quốc tế bày tỏ sự thích thú với những con rối nước.  

Giữ mãi và lan tỏa sự hồn nhiên của rối nước

Thực tế cho thấy, trước sự biến thiên của thời đại cùng mục đích thương mại hóa, mà nghệ thuật dân gian dễ bị biến tướng và mai một.

Tìm về bản chất, để làm nên sự hồn nhiên cho múa rối nước, điều đầu tiên phải xuất phát từ đời sống tinh thần của người nghệ nhân. “Khi người nghệ nhân chỉ chăm chăm lo toan về lợi danh, tiền bạc, thì từng nét đục tạo hình con rối sẽ mang nặng tâm lý ấy và không còn được hồn nhiên như chính nó đã từng”, NSƯT Chu Lượng, Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long chia sẻ. 

Sự hồn nhiên của con rối là do nghệ nhân “thổi hồn” .

Xưa kia, người nghệ nhân đến với rối nước với tâm hồn trong sáng. Họ làm để thỏa mãn tâm hồn mình, để dâng hiến cho cộng đồng, cho nhân dân trong những ngày hội làng, hội mùa. Họ tạo nên tiếng cười rộn rã, xoa dịu đi những mệt nhọc sau những ngày lao động.

“Ngày nay, sự chi phối của kinh tế thị trường và áp lực từ đồng tiền khiến múa rối nước dần đánh mất sự hồn nhiên. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tìm lại sự hồn nhiên lần thứ hai. Tức là, người nghệ nhân phải quên đi hết những tác động ấy, trở lại với chính con người mình, với cộng đồng, với đời sống tinh thần của văn hóa truyền thống xưa, thì rối nước mới được bảo tồn đúng nghĩa”, NSƯT Chu Lượng trăn trở. 

Mặc dù nghệ thuật truyền thống cần được cải tiến để phù hợp với đời sống hiện đại, nhưng mỗi loại hình nghệ thuật đều có những nguyên tắc, giới hạn riêng trong sáng tạo. Điều quan trọng là mọi sự đổi mới phải giữ vững tinh hoa vốn có, hòa quyện cùng bản sắc dân tộc và phù hợp với định hướng văn hóa của chúng ta. Bằng việc tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi, tôn trọng giá trị truyền thống, thì múa rối nước mới có thể phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào dân tộc và đến với bạn bè quốc tế với dáng hình trong trẻo, nguyên bản nhất. 

Bài và ảnh: THANH THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.