Hiện nay, thế giới hiểu khái niệm biểu tượng có hai lớp nghĩa. Một, những ký hiệu có trong lịch sử, theo thời gian được bồi đắp nhiều lớp phù sa văn hóa, lắng đọng, kết thành hình tượng bao chứa lượng tri thức văn hóa sâu rộng, có tính cộng đồng cao, trở thành “căn cước văn hóa” của mỗi dân tộc. Hai, tập trung khái quát cao độ những ý nghĩa lịch sử-xã hội nên nhìn vào biểu tượng sẽ thấy nội dung bản chất thời đại.

Soi cách hiểu này vào di sản thơ đồ sộ của Tố Hữu, cho thấy nhà thơ đã kiến tạo thành công nhiều biểu tượng (Bác Hồ, người mẹ, anh bộ đội...) một cách hệ thống, đa dạng về cấu trúc, sâu sắc về ý nghĩa, giàu có về tín hiệu thẩm mỹ, đủ để khẳng định ông là nhà văn hóa lớn. Xét riêng hình tượng anh Giải phóng quân, cho thấy Tố Hữu đã khắc họa xuất sắc một tượng đài văn hóa tỏa sáng, đúng như nhà thơ đã viết: “Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo” ("Bài ca Xuân 68").

Ở một tầm cao chính trị, Tố Hữu khái quát bằng thơ mâu thuẫn cơ bản của thời đại (những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) là xung đột giữa chính nghĩa và phi nghĩa: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” ("Việt Nam máu và hoa"). Chữ “ta” (đầu câu) như cái bản lề khép-mở không gian thời đại, khép lại hình ảnh lũ “chúng”, đế quốc độc ác cùng thế giới bùn đen; mở ra ngời ngời kiêu hãnh một dân tộc biểu tượng cho “nhân phẩm, lương tâm”, tỏa hương sen tự do “thơm ngát” trong bầu trời độc lập. Trong chữ “ta” xoay chuyển thời đại có hình ảnh anh Giải phóng quân.

 Một tiết mục văn nghệ quần chúng của Quân đoàn 12 ca ngợi tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Giải phóng quân. Ảnh: ĐỨC NAM

Với sứ mệnh lớn lao ấy, hình tượng anh Giải phóng quân được kiến tạo theo nguyên tắc mang tầm vóc vũ trụ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” ("Theo chân Bác"). Không khí hừng hực lên đường ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại thành những hình tượng sử thi, trong đó trung tâm là hình tượng anh Giải phóng quân-như những vầng hào quang trên bầu trời văn hóa tỏa chiếu ánh sáng yêu nước, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Đem tuổi xuân đẹp nhất chiến đấu cho Tổ quốc được sống, anh Giải phóng quân trở thành huyền thoại: “Anh đi, xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!” ("Tiếng hát sang xuân"). Một hình tượng đẹp, lớn lao, kỳ vĩ như thế chẳng xứng là một biểu tượng trung tâm của thời đại sao? Thế nhưng anh Giải phóng quân lại rất bình dị, đời thường: “... Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường/ Vẫn đôi dép lội chiến trường/ Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy” ("Tiếng hát sang xuân").

Lối điêu khắc tượng đài theo công thức đặt các phạm trù đối lập cạnh nhau để bật ra ý nghĩa đã rất thành công trong “Tiếng hát sang xuân” (1965), đến “Chào Xuân 67”, thi pháp ấy được phát huy trên cơ sở những nền tảng so sánh, ẩn dụ: “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!”. Người Nga có huyền thoại chàng Đan-kô móc trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đồng bào mình đi về phía tự do, hạnh phúc. Các so sánh (nếu), ẩn dụ (chàng Đan-kô) diễn đạt tinh tế sứ mệnh vinh quang, thiêng liêng, cao cả của anh Giải phóng quân làm nảy nở, sinh sôi (sự sống), là điểm tựa (lớn mạnh, phát triển), là soi đường, dẫn lối (chân lý)...

Tượng đài anh Giải phóng quân ở bài thơ “Bài ca Xuân 68” trong tư thế dũng sĩ lồng lộng đứng trên quảng trường văn hóa thời đại: “Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào Anh, con người đẹp nhất!/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi”. Bên cạnh thiêng liêng, cao cả là dân dã, đời thường: “Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh”. Một liên tưởng đặc sắc: Anh Giải phóng quân đội mũ vải mềm hành quân lên dốc, xuống đèo, vành mũ hất lên, gập xuống trông như tay vẫy. “Bàn tay” ấy thật đáng yêu, đáng mến: “Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”. Câu thơ đa nghĩa. Rất thật theo nghĩa đen. Cơ động ngoài mặt trận phải giữ bí mật tuyệt đối. Không được chạm vào cây. Thế nên “chẳng làm đau một chiếc lá”. Tất nhiên nghĩa bóng rộng hơn: Tâm hồn yêu sự sống. Đối mặt cái chết, với người lính, sự sống càng cao quý vô ngần. Cái thật trong thơ phải mang tính khái quát cao để nói được chiều sâu hình tượng là như vậy.

“Nước non ngàn dặm” (1973) là kết quả chuyến công tác của nhà thơ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Được trải nghiệm cuộc sống chiến trường, chất sống thực tế ùa vào thơ. Đối tượng thẩm mỹ vẫn được nhìn bằng chiều kích huyền thoại: “Nhìn quanh, núi đứng mây bay/ Võng anh giải phóng, rừng lay nắng chiều”. Bốn hình ảnh “đồng đẳng” hiện lên trong không gian nắng chiều: Núi, mây, võng, rừng để cùng nâng hình tượng ngang tầm vũ trụ, hòa vào vũ trụ. Vì thế, trong câu lục bát này “Anh” không xuất hiện. Nhưng trở về đời thường, “Anh” hiện lên thật rõ, tinh nghịch, hài hước, lãng mạn một cách tự nhiên, sống động: “Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát, hát chờ cơm sôi”.

“Bài ca Xuân 68” dự cảm thắng lợi đã rất gần. Hơn bảy năm sau, ngày 1-5-1975, Tố Hữu viết “Toàn thắng về ta”, tái hiện cuộc hành quân thần tốc của đoàn quân anh hùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng/ Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn/ Anh đánh như sét nổ, trời rung/ Anh chuyển như lũ dồn bão cuốn”. Đây là một trong những câu thơ vang vọng âm hưởng sử thi mạnh mẽ, hùng hồn nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại, diễn tả một cách hoành tráng, hào sảng khí thế chiến thắng. Mạch thơ đang hối hả theo bước cuộc hành quân, đến “Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn” bị ngắt ra bởi hai thanh trắc (thác réo) giữa câu gợi liên tưởng về hình ảnh đoàn quân chia ra nhiều hướng cùng hành tiến. Chỉ có lối so sánh cực tả theo xu hướng khoa trương (như sét nổ, trời rung, như lũ dồn, bão cuốn) mới đủ để nói về một sức mạnh phi thường, thần thánh.

Nâng lên phạm trù cái cao cả, hình tượng được kiến tạo theo hướng kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử, thời đại và hào khí non sông: “Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào/ Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ.../ Khí phách Anh là Trường Sơn thanh cao”. Với phong cách Tố Hữu, bên cạnh cái kỳ vĩ, là cái thường ngày: “Không, không phải thiên thần/ Bước chân hài bảy dặm/ Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân/ Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm”. Câu thơ vươn tới sự khái quát: “Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng, tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể”. “Sóng bể” nơi “muôn trùng” nên có lúc “rất dịu dàng” nhưng có khi “rất mãnh liệt”. “Dịu dàng” với con người, với nhân dân, Tổ quốc. “Mãnh liệt” với kẻ xâm lăng. Cũng là sự thống nhất các đối cực trong phạm trù huyền thoại.

Như vậy, qua việc xây dựng thành công biểu tượng anh Giải phóng quân, Tố Hữu đã góp phần làm sinh động và sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cuộc đấu tranh trung dũng, kiên cường, bất khuất của Quân đội ta, dân tộc ta trong thế kỷ 20.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã trở thành biểu tượng văn hóa nhân loại về lòng yêu nước, yêu hòa bình, biểu tượng của công lý, nhân phẩm, lương tâm. Đó là tài sản vô giá, là sức mạnh nội sinh, lấy đó làm điểm tựa, hôm nay, con cháu Lạc Hồng đang đưa đất nước vươn mình cất cánh bay vào kỷ nguyên mới.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.