Từ làn điệu cổ

Là người con dân tộc Nùng đến từ xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, mảnh đất giàu truyền thống Then cổ, Lăng Thùy Linh lớn lên cùng những lời ru của bà, của mẹ ngân nga trên nền đàn tính. Những thanh âm dân tộc ấy sớm nuôi dưỡng trong cô một tình yêu sâu đậm với nghệ thuật truyền thống.

Năm 11 tuổi, Linh bắt đầu học hát Then tại Trường Dân tộc Nội trú. May mắn lớn nhất của cô là được học trực tiếp với Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thúy, người đã dành cả đời gìn giữ và truyền dạy hát Then. Từ kỹ thuật hát, chơi đàn tính đến hiểu biết về tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Tày-Nùng, Linh được dẫn dắt bài bản trong suốt 4 năm.

Nữ sinh Lăng Thùy Linh.

“Hát Then được chia làm hai loại hình chính: Then cúng lễ và then biểu diễn. Then biểu diễn lại có then cổ và then hiện đại. Muốn hát đúng, hiểu sâu, người học phải biết cả văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc mình”, Linh chia sẻ. Ngoài việc nắm vững kỹ thuật giọng hát, cô còn học cách chơi đàn tính, loại nhạc cụ gắn liền với then. Việc đánh đàn đòi hỏi sự tỉ mỉ: Tay phải gảy bằng ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa giữ cần đàn, kết hợp linh hoạt với các kỹ thuật bấm, rung, vuốt ở tay trái để tạo nên những âm thanh ngân nga giàu biểu cảm.

Hát Then không chỉ là một hình thức nghệ thuật, nó còn là phương tiện gìn giữ ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục. Những làn điệu Then thường kể về truyền thuyết, danh lam thắng cảnh, lòng hiếu thảo, tình yêu quê hương và lối sống nhân văn. Then xuất hiện trong các nghi lễ cầu mùa, giải hạn, trong sinh hoạt cộng đồng, trong những dịp vui buồn, là nơi cộng đồng gắn kết và chia sẻ.

“Việc học hát Then giúp mình hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc, để thêm yêu, thêm tự hào, và cũng có cơ hội lan tỏa những giá trị đó đến với cộng đồng”, Linh tự hào nói.

“Giữ lửa” bằng trái tim tuổi trẻ

Với Linh, hát Then không chỉ là đam mê mà còn là sứ mệnh. Cô nhận ra rằng giữa thời đại công nghệ số, giới trẻ dần xa rời những giá trị truyền thống. Nhưng thay vì than tiếc, Linh chọn cách hành động: Mang nghệ thuật Then hòa vào đời sống hiện đại, bằng chính công cụ của giới trẻ: Mạng xã hội.

Lăng Thùy Linh cùng niềm đam mê với nghệ thuật hát Then, đàn tính ngay từ THPT. Ảnh do nhân vật cung cấp

Với lịch học dày và công việc Đoàn-Hội, Linh vẫn kiên trì biểu diễn tại các sự kiện văn hóa. Đặc biệt, cô lập kênh Tiktok mang tên “Nàng Then Thùy Linh”, nơi chia sẻ các video biểu diễn, hướng dẫn hát Then, chơi đàn tính, giúp giới trẻ tiếp cận nghệ thuật dân gian một cách nhẹ nhàng và gần gũi hơn. Những video do Linh tự dàn dựng có hiệu ứng sinh động, âm thanh cuốn hút, thu hút hàng chục nghìn lượt xem và tương tác.

“Ban đầu, mình chỉ chia sẻ để lưu giữ, để các cô chú lớn tuổi có nơi hoài niệm. Nhưng bất ngờ là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến, có bạn mới 13 tuổi mà đã say mê, hỏi xin học hát. Điều đó khiến mình xúc động và có thêm động lực để tiếp tục”, Linh kể.

Từ việc chia sẻ niềm yêu thích, Linh đã xây dựng được một cộng đồng nhỏ yêu nghệ thuật dân gian trên không gian mạng. Những đoạn video không chỉ mang tính giải trí mà còn có giá trị giáo dục, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến khán giả trẻ, những người tưởng như đã xa rời Then.

Mỗi video, mỗi lần biểu diễn với Linh đều là một bước gieo mầm. Nhưng mục tiêu lớn hơn cô hướng tới là trở về quê hương, mở lớp dạy hát Then cho trẻ em, góp phần đưa Then trở lại đời sống một cách bền vững. Ước mơ ấy đã được cô ấp ủ từ lâu, và nhận được sự ủng hộ, cố vấn từ nghệ nhân Hoàng Thúy.

Các video trên kênh Tiktok của Linh được dàn dựng hấp dẫn, kết hợp hiệu ứng hình ảnh sinh động thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác từ nhiều độ tuổi khác nhau. 

“Khi trở về, mình muốn dạy không chỉ kỹ thuật mà cả niềm yêu, niềm tự hào. Để những em nhỏ vùng cao như mình ngày xưa, không chỉ nghe tiếng Then mà còn được hát Then, chơi đàn tính, gìn giữ nét đẹp này bằng chính trái tim các em”, Linh chia sẻ.

Với nền tảng học vấn chuyên sâu về văn hóa phát triển, sự am hiểu truyền thống và khả năng truyền cảm hứng, Linh đang dần trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Cô không chỉ giữ gìn nghệ thuật cổ mà còn làm mới nó bằng ngôn ngữ của thời đại, khiến Then không bị phủ bụi mà ngân vang giữa không gian mới.

Khi được hỏi nếu phải gửi gắm một thông điệp cho những bạn trẻ đang đứng giữa hai lựa chọn: Hòa nhập hay gìn giữ bản sắc, Linh không ngần ngại trả lời: “Văn hóa dân tộc không chỉ là di sản, mà còn là linh hồn của đồng bào Việt Nam. Gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống chính là cách để chúng ta bảo vệ linh hồn của dân tộc mình. Và chính các bạn trẻ với năng lượng, sự sáng tạo và lòng tự hào sẽ là những người giữ lửa, để ngọn lửa văn hóa ấy không chỉ rực cháy, mà còn thắp sáng qua từng thế hệ”.

NGUYỄN LAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.