Giai điệu Then trầm bổng, sâu lắng không chỉ có sức lay động mạnh mẽ mà còn truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống qua từng câu hát. Lời Then giản dị nhưng sâu sắc, chứa đựng triết lý sống, lòng nhân ái cùng khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp.

Hát Then được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những câu chuyện trong bài Then thường gắn liền với thiên nhiên, lao động sản xuất, mang đến cảm giác gần gũi, thân quen. Hòa quyện cùng lời ca là tiếng đàn tính ngân vang, êm dịu góp phần làm cho làn điệu thêm da diết. Sự kết hợp giữa hai yếu tố ấy không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là cầu nối gắn kết văn hóa, dung hòa bản sắc riêng trong dòng chảy chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nỗ lực phục hồi những giá trị truyền thống

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tiếng hát Then hòa quyện cùng với giai điệu đàn tính vang vọng từ xa, gợi lên âm hưởng của đất trời, lời ca mộc mạc, gần gũi gắn liền với đời sống của bao thế hệ người Tày, Nùng.

Giữa những nghệ nhân say mê bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian, bà Hoàng Oanh, thành viên Câu lạc bộ hát Then tỉnh Thái Nguyên, là một nghệ nhân tiêu biểu. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Then, bà Oanh được bố mẹ truyền dạy từ thuở nhỏ, hình thành trong bà niềm đam mê mãnh liệt với di sản văn hóa dân tộc.

Câu lạc bộ hát Then tỉnh Thái Nguyên với hơn 15 năm miệt mài truyền lửa bộ môn hát Then. 

Nhớ lại thời thơ ấu, bà bồi hồi kể về những kỷ niệm gắn liền với ca khúc “Vằn chiêng lảy hội” (Ngày xuân đi chơi hội), bài hát đã khơi dậy trong bà sự quyết tâm phục hồi những giá trị truyền thống gia đình. “Tôi đã phục dựng những bài hát bố tôi dạy khi còn nhỏ và sản xuất thành những video. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã bảo tồn được làn điệu Then từ gia đình mình, từ những bài hát tuổi thơ mà bố mẹ truyền lại. Bây giờ tôi muốn duy trì những giá trị đó cho quê hương, cho dân tộc mình”, bà Oanh xúc động bày tỏ.

Theo bà Oanh chia sẻ, những bài hát Then cổ có giá trị sâu sắc nhưng dần bị mai một. Do đó, bà mong muốn phục hồi lại tất cả những làn điệu ấy, đồng thời kết hợp dịch các bài hát từ tiếng Tày sang tiếng Kinh để thế hệ trẻ dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn.

Cũng là nghệ nhân với mong muốn “truyền lửa” loại hình nghệ thuật truyền thống, bà Hoàng Thị Quế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Kỹ thuật trong hát Then rất khó, đòi hỏi phải tập luyện nhuần nhuyễn trong thời gian dài để phối hợp nhịp nhàng giữa giai điệu Then và đánh đàn, vậy nên sự kiên trì là yếu tố rất quan trọng để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này”.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, bà Quế bộc bạch, mặc dù, ban đầu bà chỉ muốn thử nghiệm loại hình nghệ thuật độc đáo ấy, nhưng càng tìm hiểu, bà càng say mê hát Then. Sự cuốn hút ấy thấm sâu vào máu thịt, khiến bà ngày càng yêu thích và gắn bó hơn với bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Nhờ vào sự kiên trì tập luyện, bà Quế đã dần nhuần nhuyễn trong việc xử lý các kỹ thuật thanh nhạc và đánh đàn trong hát Then. Bà chia sẻ rằng, khi mới học, bà còn lóng ngóng với cây đàn tính, thậm chí không phân biệt được các nốt nhạc. Thế nhưng, sau thời gian miệt mài rèn luyện, bà đã có thể sử dụng cây đàn một cách thành thạo. “Hát Then không chỉ đòi hỏi người nghệ nhân phải sở hữu giọng hát ngọt ngào mà còn phải có khả năng bắt chước tốt, vì thế, phải thật sự yêu mới gắn bó lâu dài được”, bà Quế nói.

Với bà Quế, hát Then không chỉ là nghề mà còn là tình yêu, sự tâm huyết mà bà mong muốn được gắn bó trọn đời. Không chỉ gìn giữ di sản trong cộng đồng, bà còn truyền tình yêu hát Then tới các thành viên trong gia đình. Bà tự hào kể: “Người cháu của tôi từng nói sau này con sẽ học tiếng dân tộc và đi hát Then như bà." Những câu nói hồn nhiên ấy của con trẻ càng thôi thúc bà tiếp tục hành trình bảo tồn di sản của dân tộc mình.

Hát Then trong đời sống hiện đại

Ngày nay, ngoài những bài Then cổ, hát Then còn có những sáng tác mới với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước. Điều này giúp cho hát Then đến gần hơn với thế hệ trẻ, làm phong phú thêm giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này.

Là một trong những bạn trẻ có niềm đam mê bộ môn nghệ thuật hát Then, Minh Ngọc, một trong những thành viên trẻ tuổi tại Câu lạc bộ hát Then tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Bản thân em là một người con của dân tộc Tày nên từ khi còn bé, em đã được tiếp xúc với những làn điệu Then đầy cảm xúc, mỗi khi được hát và nghe những làn điệu ý nghĩa ấy, em càng thêm yêu quê hương, đất nước và bản làng mình”.

Song, việc bảo tồn hát Then cũng gặp không ít thách thức khi giới trẻ bị cuốn hút bởi nhiều loại hình giải trí hiện đại, cùng với đó sự rào cản ngôn ngữ khiến họ khó tiếp cận với các làn điệu dân gian. Do vậy, bà Oanh cùng các thành viên khác trong Câu lạc bộ thường tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, đặc biệt là ngày hội xuân tại các trường học để thắp lên niềm đam mê hát Then trong các em học sinh.

“Tôi rất mong các cháu yêu thích làn điệu Then. Khi yêu thích rồi thì mình sẽ đi từng bước, từ những bài hát cơ bản đến những làn điệu nâng cao, càng hát sẽ càng thấm thía và càng yêu thêm," bà Oanh nhắn nhủ.

 Bà Hoàng Thị Oanh say mê với bộ môn hát Then, đàn tính. Ảnh: PHƯƠNG LY

Với sự tâm huyết phục dựng của những nghệ nhân hát Then lâu năm, nghệ thuật hát Then đang dần được hồi sinh mạnh mẽ, tiếp tục là sợi dây kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Những lời ca, tiếng đàn ngân vang sẽ mãi là tiếng lòng chân thành của đồng bào Tày, Nùng góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: BẢO NGỌC - PHƯƠNG LY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.