Bố tôi công tác tại Viện Văn học, nhưng trong kháng chiến chống Pháp có tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam khóa 1948-1957 (nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam), trực tiếp phụ trách Chi hội Văn nghệ Liên khu III, cũng là thời kỳ nhà thơ Quang Dũng làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III và có nhiều bài thơ đăng báo (trong đó có bài “Tây Tiến” nổi tiếng được ông viết năm 1948).
Còn mẹ tôi lúc bấy giờ làm việc tại Nhà xuất bản Văn học, nơi nhà thơ Quang Dũng là cán bộ biên tập. Vừa là bằng hữu văn chương của bố tôi, vừa là đồng nghiệp với mẹ tôi nên nhà thơ Quang Dũng thân thiết với gia đình tôi như anh chị em một nhà.
 |
Nhà thơ Quang Dũng. Ảnh minh họa: Hanoimoi. |
Có năm, vào dịp Tết Nguyên đán, cả gia đình chúng tôi đã sang chúc tết gia đình nhà thơ Quang Dũng ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Trong ký ức của tôi, ông khoảng 40 tuổi, dáng người cao to, khuôn mặt có vẻ dữ dằn, nhưng giọng nói thì thật nhẹ nhàng, đặc biệt là thái độ ứng xử hết sức nhã nhặn. Ông thường trò chuyện với bố tôi và giữa hai người có nhiều điểm tâm đầu ý hợp.
Cả bố và mẹ tôi đều rất quý ông. Vào những buổi nghỉ học, khi được mẹ cho theo đến cơ quan, tôi còn được gặp ông và các bác là nhà văn, nhà thơ như: Khương Hữu Dụng, Yến Lan... Tôi nhận thấy, mọi người trong cơ quan thường rất kính trọng họ (các nhà văn, nhà thơ nói chung và nhà thơ Quang Dũng nói riêng). Có lần, tôi đã nói điều này với bố tôi, ông cười: "Vì họ có tác phẩm. Khi tác phẩm của họ được công chúng ghi nhận thì tên tuổi của họ sẽ sống mãi với thời gian". Tuy còn quá nhỏ để có thể hiểu đầy đủ những điều bố tôi giải thích nhưng tôi tin đó là sự thật.
Mùa hè năm 1978, tôi tình cờ được gặp lại nhà thơ Quang Dũng tại nhà điều dưỡng của Bộ Y tế ở Ba Vì, Hà Tây. Ông rất vui khi nhận ra cậu con trai của người bạn văn. Còn tôi, sau những năm tham gia làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, cũng đã phần nào hiểu được tâm sự của nhà thơ qua bài thơ “Tây Tiến” mà ông viết từ 30 năm trước. Đó là sự hòa quyện của chất lãng mạn, hiện thực và bi tráng, “neo” tâm hồn của nhà thơ theo vầng trăng treo đầu súng... Tôi chỉ là một người may mắn được gặp, cảm nhận về phong cách, tâm hồn nhà thơ Quang Dũng nên hiểu được những giá trị sâu sắc hơn về cái hay, cái đẹp trong thơ ông.
LÊ AN KHÁNH