Xem một bộ phim lịch sử, nhất là một tác phẩm chân thực, xúc động, có sức lay động như “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” giúp người trẻ chạm tới lịch sử bằng cảm xúc. Địa đạo không chỉ là một công trình quân sự mà còn là một minh chứng sống động cho tình yêu nước lặng thầm và bền bỉ. Trong lòng đất sâu ấy, có nước mắt, có máu, có cả những khát vọng thanh xuân bị bóp nghẹt bởi bom đạn nhưng vẫn sáng bừng lên như “mặt trời trong bóng tối”.
 |
140 sinh viên tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
|
Chị Hứa Thanh Hoa, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Chúng ta sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong những điều kiện đầy đủ hơn, nhưng tình yêu nước thì không phân thời đại. Xem phim không chỉ để biết mà là để hiểu. Không chỉ để xúc động mà là để hành động. Địa đạo không chỉ là công trình quân sự mà là chứng tích sống động về một thời đại và lòng yêu nước không cần phải nói bằng lời. Nó được thể hiện bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương. Những thước phim chân thực, những câu chuyện lặng lẽ dưới lòng đất sâu hun hút đã khiến chúng tôi cùng khóc, cùng cười với từng nhân vật”.
Từ bộ phim, các bạn trẻ đã có những hành động, bắt đầu từ những điều giản dị nhất, như kể cho bạn mình nghe về những gì đã xem, đã cảm nhận; biến lòng biết ơn thành nỗ lực học tập, sáng tạo, rèn luyện mỗi ngày; sống một cuộc đời có trách nhiệm và cống hiến, như những người trẻ năm xưa đã từng chọn con đường ra trận. Nhìn lại lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, dễ dàng nhận ra một mạch nguồn chảy mãnh liệt giữa trí thức và tinh thần yêu nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có tới 1.333 cán bộ, sinh viên của nhà trường đã “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”, trong đó 64 người đã ngã xuống, để lại một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Tên tuổi của họ-Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Thạc, Chu Cẩm Phong... không chỉ được lưu giữ trong lịch sử nhà trường mà còn sống trong ký ức và lòng biết ơn của nhiều thế hệ sinh viên tiếp nối.
Sinh viên Nguyễn Linh Chi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ từng được đến Địa đạo Củ Chi, nay lại được xem bộ phim về chính nơi ấy, cảm xúc như nhân lên gấp bội. Càng hiểu, càng trân trọng. Càng biết, càng thấy mình cần sống sao cho xứng đáng. Đó cũng chính là tinh thần gieo hạt giống tự hào vào tâm hồn người trẻ, để từ đó mỗi hành động, mỗi lựa chọn sống đều góp công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên không nằm ở việc tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng, mà ở chỗ những hoạt động ấy thật sự chạm đến trái tim, làm lay động suy nghĩ và thay đổi nhận thức. Lý tưởng yêu nước không còn là điều xa xôi mà hiện hữu trong từng tiết học, từng bài thi, từng ý tưởng khởi nghiệp, từng việc làm tử tế vì cộng đồng.
Bài và ảnh: THÙY DƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.