Chia sẻ tại chương trình, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho rằng, sách là kho tàng tri thức quý giá lưu trữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy qua các thế hệ, đem lại nguồn tri thức và khai sáng cho trí tuệ con người. Những quyển sách như hạt giống tâm hồn, đem lại cho ta những cảm xúc trong cuộc sống... Sách giúp mỗi người tự học, tự bồi dưỡng, nuôi dưỡng ước mơ, là chìa khóa mở cánh cổng của tri thức đưa người trẻ đến thành công.
Để thúc đẩy văn hóa đọc trong thanh niên, các chương trình nêu trên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của việc đọc sách, đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong người trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng, giới trẻ dù được tiếp cận nhiều thông tin nhưng thời gian dành cho việc đọc chưa nhiều.
 |
Các bạn trẻ tham quan không gian sách tại chương trình thúc đẩy văn hóa đọc. |
Chương trình góp phần nâng cao nhận thức, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong hội viên, thanh niên; tạo sức lan tỏa văn hóa đọc và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên với phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập.
“Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022 tập trung vào các hoạt động khuyến khích hội viên, thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân; trang bị kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.
Bên cạnh đó, chương trình còn có các hoạt động truyền thông thúc đẩy đam mê đọc sách trong thanh niên như xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền (infographic, phim ngắn) về tác dụng của việc đọc sách. Chương trình cũng lựa chọn, giới thiệu các ấn phẩm hay, có ý nghĩa, phù hợp với từng đối tượng hội viên, thanh niên; tạo điều kiện cung cấp sách và hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn sách phù hợp. Trong năm 2022, chương trình phấn đấu vận động tặng 20 tủ sách, thư viện sách tới các địa phương miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn...
Tham dự Tọa đàm “Văn hóa đọc trong giới trẻ Việt Nam” tại chương trình, bạn Phan Thị Minh Huyền, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tâm đắc: “Thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa, nhất là trước thực trạng không ít người trẻ hiện nay ngại đọc, lười đọc, không mặn mà với sách. Cùng với lan tỏa ý nghĩa của sách và tầm quan trọng của văn hóa đọc, chương trình tạo điều kiện để người trẻ giao lưu, trao đổi kiến thức và kỹ năng xây dựng văn hóa đọc, phương pháp tiếp thu những tri thức từ sách có hiệu quả”.
Được triển khai từ năm 2021, chương trình đã được các tổ chức đoàn, hội, đoàn viên, hội viên, thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: Thành lập các câu lạc bộ đọc sách; tổ chức những buổi giao lưu với các diễn giả, tác giả; trao đổi, tặng sách, hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong các bạn trẻ. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy những kiến thức, kỹ năng, ươm mầm ước mơ, giá trị của cuộc sống, định hướng tương lai để vững bước vào đời.
Bài và ảnh: ĐĂNG HẢI