Năm 1996, vừa rời ghế nhà trường tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không và được đào tạo sơ cấp thông tin tại Hà Nội. Học xong tôi được điều vào Sư đoàn 377 đóng tại vùng duyên hải Nam Trung bộ, chưa ấm chỗ đã lại được lên với Tây Nguyên đại ngàn. Những vùng đất mới mở ra trong tôi biết bao háo hức tuổi trẻ. Trong những đầu báo hiện diện tại Phòng Hồ Chí Minh của đơn vị, tôi chú ý đến tờ Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần. Tôi cảm thấy như có một người bạn đồng hành khi phần văn hóa văn nghệ của báo vô cùng gần gũi, cảm thấy như là viết cho mình, tôi và đồng đội gần như đã thấy mình trên mỗi trang báo in màu đẹp đẽ và sinh động.
Đặc biệt ngày ấy có mục “Nhật ký dành cho bạn”, mục “Thơ văn xuôi” của nhiều cộng tác viên viết về tình yêu người lính, bày tỏ tình cảm với những người lính, tình cảm của những người lính với hậu phương, gia đình… được cánh lính trẻ chúng tôi rất thích. Bên cạnh đó là những bài thơ, những truyện ngắn giới thiệu trên báo đã gieo vào tôi ít nhiều xao xuyến. Bản thân đã có chút năng khiếu văn chương (trước khi nhập ngũ tôi đã có thơ in trên Báo Phú Thọ), vào môi trường mới với những xúc cảm mới mẻ, tôi tiếp tục cầm bút viết về những thứ xung quanh mình gửi về tờ tin Chiến sĩ Phòng không của Quân chủng Phòng không khi ấy và cả Báo QĐND Cuối tuần nữa.
 |
Thượng tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. |
Những gì được đọc, được thấy trên trang báo QĐND Cuối tuần khiến tôi cảm thấy như có một mối giao cảm, gần gũi và thân thương, làm cho mình cũng muốn viết gì đó, chia sẻ gì đó, và tôi đã cầm bút trải lòng mình. Những bài viết được in như nguồn động lực để ngòi bút tôi tiếp tục tuôn chảy. Nhưng một niềm vui lớn hơn, đó là vào một ngày tôi nhận được thư từ tòa soạn, đầu tiên là thư của nhà báo Triệu Phương Quế, rồi sau là thư của nhà báo Đoàn Xuân Bộ. Anh Bộ là một trong những người thực hiện ấn phẩm QĐND Cuối tuần khi ấy, những chuyên mục mà tôi rất thích. Anh trao đổi về bài vở, về chuyên mục, khen tôi viết tốt và động viên tôi thường xuyên cộng tác với Báo. Thế là từ đó tôi luôn coi Báo QĐND và tờ QĐND Cuối tuần như người bạn, dù chuyển đơn vị đi đâu, cứ thấy đơn vị mình và đơn vị bạn có gì hay, có gương điển hình hoặc mô hình gì ý nghĩa tôi đều tìm hiểu để viết cho Báo. Sau đó, tôi đã đề đạt nguyện vọng với thủ trưởng đơn vị được ra công tác tại Trạm ra đa 11 trên đảo Trường Sa.
Từ Trường Sa, tôi đã viết cho mục Thơ văn xuôi bài "Tâm tình lính đảo" tái hiện những tâm tư của một người lính ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Bài viết ấy đến giờ, sau 25 năm tôi vẫn còn thuộc, bởi nó được diễn giải bằng sự kết nối của những câu thơ. Rồi bài viết "Trường Sa, những câu chuyện nhỏ" của tôi được in trang trọng trọn một trang trên tờ QĐND Cuối tuần. Cầm tờ báo biếu tòa soạn gửi ra từ đất liền với bài viết của mình cùng những bức ảnh minh họa màu là những chú bò dưới gốc cây phong ba trên đảo Song Tử Tây của nhà báo Trần Hồng, lòng tôi khấp khởi khôn nguôi, sóng gió như cũng vui lây cùng tôi trong những reo ca nơi biển trời Trường Sa. Đó quả thực là món quà quý giá nhất đến từ đất liền. Những phong thư có in măng sét Báo QĐND rất đặc trưng được gửi đến tôi khiến anh em đồng đội rất ngưỡng mộ.
 |
Những phong thư có in măng sét Báo QĐND được nhà báo, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy trân trọng lưu giữ đến giờ. |
Từ Trường Sa trở về tôi được phân công làm Báo Phòng không-Không quân, chạm vào giấc mơ trở thành một nhà báo. Suốt những bước đường đó, Báo QĐND Cuối tuần luôn là người bạn đồng hành. Nhờ sự quan tâm động viên gần gũi từ tòa soạn tôi vẫn đều đặn gửi về báo những bài viết về bộ đội Phòng không-Không quân trên khắp cả nước. Tôi nhớ một lần gửi đến báo bài viết “Những đám cưới 300 nghìn ở Phù Cát” về mô hình đám cưới tiết kiệm do Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức ở sân bay Phù Cát. Sáng sớm, khi tôi còn đang ngủ mơ màng thì nghe tiếng loa phát phần điểm báo, điểm đến bài của tôi trên Báo QĐND Cuối tuần tự nhiên tôi tỉnh ngủ hẳn, vui mừng vì không những bài được in mà còn được ưu ái chọn điểm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhờ cộng tác thường xuyên với báo, tôi được rèn nghề qua thực tế, đã viết cả vài chục bài báo trước khi đi học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Có được điều đó, bên cạnh sự say mê, nỗ lực của bản thân một phần là nhờ Báo QĐND Cuối tuần. Thế nhưng mãi khi về công tác tại Tổng cục Chính trị, tôi mới có cơ duyên gặp nhà báo Đoàn Xuân Bộ (nay là Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân), người đã viết thư động viên từ khi tôi còn ở đơn vị, chập chững những bước đầu tiên trong quân ngũ và trong việc viết báo. Còn nhà báo Triệu Phương Quế thì tôi đã có dịp gặp từ trước đó, khi ông xuống Quân chủng Phòng không-Không quân dự một hội nghị.
 |
Bộ đội Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân đọc Báo QĐND Cuối tuần. Ảnh: THU HÒA
|
Nhờ những trải nghiệm đầu đời quý giá đó, sau này, làm việc tại các ấn phẩm báo chí của Quân đội, khi tổ chức tin bài, xây dựng từng số báo, từng chuyên mục tôi luôn nhắc mình hãy hướng về cơ sở, nghĩ đến những người lính đang làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo, tại các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, như tôi đã từng được thụ hưởng khi là người lính ở đơn vị. Tôi thấy rằng, Báo QĐND Cuối tuần thông qua cách làm “báo mềm” bên cạnh tờ báo hằng ngày luôn cập nhật thời sự, thông qua cách làm việc tận tụy và sự kết nối chặt chẽ với những người viết ở cơ sở của các biên tập viên đã tạo ra một không gian văn hóa văn nghệ cho người lính, góp phần kiến tạo tâm hồn người lính, là mảnh đất để những hạt mầm văn chương, báo chí sinh dưỡng, nảy nở.
Tôi nghĩ về những người lính như tôi, từ chỗ là bạn đọc, rồi trở thành cộng tác viên, sau này được bồi dưỡng, đào tạo, trở thành những người viết chuyên nghiệp, thành nhà văn, nhà báo mặc áo lính. Có được điều đó chính từ bởi những nhịp cầu duyên mà một trong những nhịp cầu đầu tiên ấy chính là Báo QĐND Cuối tuần, ô cửa sổ nhỏ xinh đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người lính.
Nhà văn, nhà báo NGUYỄN XUÂN THỦY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.