Bài đầu tiên tôi gửi đăng trên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần có tên “Sống động hình ảnh chuyến bay vào vũ trụ”. Bài viết sau đó được Ban tổ chức đưa vào dự Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi”. Đây là bài báo kể lại hành trình sáng tác của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Ảnh Thông tấn xã Việt Nam, người đã lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử khi anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ năm 1980. Những bức ảnh quý ấy cùng với câu chuyện hậu trường của một tay máy lặng lẽ, đã thôi thúc tôi viết bằng tất cả sự kính trọng và ngưỡng mộ.
 |
Nhà báo Ngô Khiêm thường xuyên theo dõi và đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ảnh: MAI PHƯƠNG |
Khi bài viết được đăng, tôi nhận được lời khen từ Đại tá, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, lúc ấy là Trưởng phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần (nay là Phó tổng biên tập Báo QĐND). Lời động viên ấy chính là “chứng nhận tinh thần” đầu tiên giúp tôi tin hơn vào con đường viết lách mình đang bước đi. Và niềm vui vỡ òa khi tôi nhận giải thưởng từ Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi”, với tấm giấy chứng nhận do Đại tá, nhà báo Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND trao tặng. Đây là giải thưởng đầu tiên trong nghề báo của tôi. Một “món quà” khích lệ, không chỉ cho riêng tôi mà cho cả những người viết trẻ đang lần mò trong hành trình chạm ngõ nghề báo.
Từ sau bài viết đó, tôi bắt đầu cộng tác thường xuyên hơn với Báo QĐND Cuối tuần. Mỗi dịp báo cần cộng tác viên viết bài chuyên sâu, tôi đều coi đó là cơ hội học hỏi, thử sức và cũng là cách để tri ân một tờ báo giàu bản sắc, đậm chất văn hóa – nghệ thuật – lịch sử, nơi mỗi bài viết đều như một “món ăn tinh thần” được chế tác công phu, hấp dẫn.
 |
Nhà báo Ngô Khiêm (thứ năm từ trái qua) nhận giải thưởng Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” với bài viết đăng trên Báo QĐND Cuối tuần Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là vào năm 2021, trong một sáng đẹp trời, tôi nhận được cuộc gọi từ Đại tá Nguyễn Hồng Hải, mời sang phòng để… “giao việc”. Nhiệm vụ lần này là viết về các nhạc sĩ sắp được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tôi đã lựa chọn viết về nhạc sĩ Đoàn Bổng với tiêu đề “Người không tuổi” và nhạc sĩ Lê Mây với tiêu đề “Người thừa năng lượng”…
Đó là những đêm tôi gần như thức trắng, chắt lọc từng chi tiết, từng cảm xúc, từng đánh giá về nhân vật. Bởi tôi hiểu rõ viết cho Báo QĐND Cuối tuần không chỉ là kể chuyện mà là “tạc” chân dung bằng chiều sâu, bằng góc nhìn riêng biệt, bằng đánh giá xác đáng, có tình, có lý. Cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi những bài viết đó nhận được phản hồi tích cực từ chính các nhân vật và những người trong giới âm nhạc. Tôi hiểu, đó là lúc ngôn ngữ đã “chạm” được trái tim người đọc.
Từ những trải nghiệm ấy, tôi càng gắn bó với Báo QĐND Cuối tuần như gắn bó với một người bạn nghề đầy tin cậy. Mỗi lần được báo tin: “Bài đã được chọn đăng số tới”, tôi lại thấy trong mình trào lên niềm tự hào, hạnh phúc như lần đầu được “gọi tên” trên mặt báo.
5 năm không quá dài nhưng với tôi, đó là một hành trình trưởng thành, cả trong kỹ năng cầm bút lẫn đạo đức làm báo. Tôi biết ơn các anh chị biên tập viên của Báo, những người lặng lẽ chỉnh sửa, nâng niu từng dòng chữ, giúp tôi nhận ra rằng, báo chí không chỉ cần chữ hay mà còn cần tâm sáng và tầm nhìn nhân văn.
Giữa muôn vàn dòng chảy thông tin thời đại số, tôi vẫn dành một chỗ ấm áp trong tim cho Báo QĐND Cuối tuần, nơi nuôi dưỡng những áng văn sâu sắc, nơi mỗi cộng tác viên đều được truyền cảm hứng và cảm nhận được sự đồng hành, sẻ chia.
Từ cơ duyên cộng tác với Báo QĐND Cuối tuần, tôi đã cộng tác thêm với một số ấn phẩm khác của Báo QĐND và thật may mắn là tôi đã có thêm 2 giải thưởng với tờ báo này. Đó là giải Khuyến khích, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2023 và giải C, Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” năm 2025. Tất cả những điều đó đã giúp tôi ngày càng tự tin hơn với nghề báo, với con đường mình đã chọn. Tôi trân trọng và biết ơn Báo QĐND Cuối tuần, tờ báo đang bước vào tuổi 35 đầy sung sức, khỏe khoắn và căng tràn sức sáng tạo.
Không chỉ để lại dấu ấn từ những bài viết đầu tay, tôi còn tìm thấy cảm hứng dồi dào từ các chuyên mục đặc sắc trên Báo QĐND Cuối tuần-nơi thể hiện rõ bản sắc của một tờ báo giàu chiều sâu văn hóa, tư tưởng và trách nhiệm công dân. Trong đó, chuyên mục “Chân dung người lính” luôn là điểm dừng chân yêu thích của tôi mỗi dịp cầm báo. Người lính trong các bài viết hiện lên không khuôn sáo, không chỉ là biểu tượng kỷ luật, hy sinh mà còn là những con người sống động, có tâm tư, có khát vọng, có chiều sâu nội tâm. Các chân dung được khắc họa bằng một thứ văn chương báo chí rất riêng, vừa dung dị vừa lay động, vừa có chất sử thi vừa giàu tính nhân văn.
Bên cạnh đó, chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội”, dưới ngòi bút của những cây bút uy tín như Hồng Thanh Quang và Hà Mạnh Tường, đã trở thành “thương hiệu” của Báo QĐND Cuối tuần về mảng chính luận quốc tế. Mỗi bài viết không chỉ cung cấp thông tin sắc sảo về các vấn đề toàn cầu mà còn thể hiện góc nhìn độc lập, bản lĩnh, đầy chiều sâu trí tuệ. Đây là những bài bình luận thời sự quốc tế đậm tính tư duy chiến lược, gợi mở cho người đọc cách tiếp cận vấn đề và qua đó tôi học được phương pháp làm báo bổ ích.
Chính từ những chuyên mục như thế, tôi hiểu thêm rằng, làm báo không chỉ là ghi chép lại thực tại mà còn là kiến tạo nhận thức, khơi dậy cảm xúc và truyền cảm hứng. Báo QĐND Cuối tuần không chỉ là tờ báo mà còn là một “trường viết” đặc biệt, nơi tôi học được cách đặt câu hỏi đúng, lựa chọn góc nhìn sắc và quan trọng nhất là giữ được cái tâm sáng khi cầm bút.
Nhà báo NGÔ KHIÊM (Tạp chí Lao động và Công đoàn)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.