19 vở của các đơn vị nghệ thuật trong nước và 4 đơn vị nghệ thuật nước ngoài (Italy, Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore) tham dự thuộc nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, cải lương, múa rối, tuồng... thông qua những thủ pháp sáng tạo, tìm tòi, thử nghiệm đã mang tới cho người xem những điều mới lạ, đa dạng và phong phú của nghệ thuật sân khấu.

Nghệ sĩ tung tẩy, sáng tạo trên “sân chơi” thử nghiệm

Sân khấu của Hà Nội trong hơn 10 ngày qua gần như được trưng dụng toàn bộ để các nghệ sĩ thỏa sức thể hiện, sáng tạo. Chung thủy với phong cách dàn dựng ước lệ biểu hiện, Sân khấu Lucteam của đạo diễn Trần Lực chọn vở kịch cổ đại kinh điển của nhà viết kịch Sophocles (Hy Lạp) cách đây hơn 2.000 năm-“Antigone”. “Đưa “Antigone” lên sân khấu đồng nghĩa với việc so sánh thực tại của chúng ta với những chất liệu kịch ấy. Điều thú vị của vở diễn này là chúng ta thấy được những giá trị quen thuộc của “Antigone” trong văn học Việt Nam, chẳng hạn như khi ta so sánh “Antigone” với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du”, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, Ủy viên Ban hội thảo liên hoan hào hứng khi nhận xét về vở diễn.

Giống như nàng Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đạo đức, để rồi sau đó phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho con người của mỗi thời đại, đó là lòng trung thành với gia đình, với đất nước, về phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội, về tiến trình lịch sử và sự quan trọng của các cá nhân trong xã hội. Vở diễn được ê kíp Lucteam thể hiện trên một không gian sân khấu tối giản kết hợp với hiệu ứng âm thanh, những nét chấm phá của tuồng, chèo được đạo diễn Trần Lực đưa vào một cách duyên dáng, khéo léo đã mang đến cho khán giả những cảm xúc khó quên về tính thử nghiệm. Nghệ sĩ Tom Corradini (Italy) cho biết: “Tôi vô cùng thích thú khi xem “Antigone” của sân khấu Lucteam. Đạo diễn Trần Lực đã tạo nên sợi dây liên kết giữa tác phẩm kinh điển của thế giới với khán giả hiện đại qua hình thức dàn dựng rất thành công”.

Tại Rạp Công Nhân, Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Phùng Tiến Minh cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội lại gây sức hút với giới văn chương, nghệ thuật và khán giả khi lần đầu dàn dựng vở kịch “Trái tim người Hà Nội”, cảm tác từ tác phẩm nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Nói về sự “liều” khi đưa tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh lên sân khấu, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Tiến Minh cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc chuyển thể từ tác phẩm văn học “Nỗi buồn chiến tranh” sang tác phẩm sân khấu “Trái tim người Hà Nội” đã mang tính thử nghiệm, trong 2 giờ đồng hồ, các diễn viên đã được hóa thân, sáng tạo trong câu chuyện chiến tranh, hậu chiến đậm đặc bi hùng của đất nước. Chiến tranh-hòa bình, vào đại học hay đi bộ đội nó khác nhau nhiều đến thế hay sao? Thế nào là một cuộc đời tốt, một cuộc đời xấu? Tình nguyện vào bộ đội ở tuổi 17 sẽ cao thượng hơn là vào đại học ở tuổi 17 ư? Đó là những đối thoại về chiến tranh-thời cuộc, sự sống-cái chết, tình yêu-lý tưởng... của Phương và Kiên ở tuổi 17 cho đến lúc bước vào tuổi xế chiều trong vở kịch “Trái tim người Hà Nội”. Vở diễn mang lại cho người xem hình dung về một Hà Nội thời chiến, nhưng bay bổng bên trên là khúc nhạc của những lý tưởng, ước mơ, tình yêu luôn bừng cháy trong bao trái tim trẻ tuổi Hà thành. Sau khi xem vở diễn, nhà văn Bảo Ninh nói, các nhân vật của ông đã có thêm một đời sống mới bên ngoài trang sách”.

 
leftcenterrightdel
Cảnh trong vở diễn "Lá đơn thứ 72" tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng tham gia liên hoan. 

Khát vọng đưa nghệ thuật gắn liền hơi thở cuộc sống

Thử nghiệm ở loại hình múa rối, Nhà hát Múa rối Việt Nam lại mang đến câu chuyện thú vị “Bản tình ca trên núi cao”, kể về tình yêu của đôi trai gái người dân tộc Mông là chàng Nùng Phai và nàng Gau Dự. Với cốt truyện mộc mạc và đề tài quen thuộc về tình yêu đôi lứa, vở rối “Bản tình ca trên núi cao” đã mang đến cho người xem thông điệp đầy tính nhân văn.

Nhà lý luận, phê bình sân khấu Nguyễn Thế Khoa sau khi xem vở rối “Bản tình ca trên núi cao”, nhận xét: “Sau 5 lần tham gia liên hoan, đã thấy sự nỗ lực thử nghiệm, đổi mới của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Không dừng ở những tích trò truyền thống, nhà hát đã xây dựng kịch mục, dàn dựng múa rối thành những vở diễn có nội dung, câu chuyện cụ thể. Liên hoan lần thứ IV, nhà hát đã thành công với vở “Kiều”, lần thứ V này mang đến “Bản tình ca trên núi cao”. Đây là những bước tiến mới và thành công sau mỗi mùa tổ chức liên hoan, đồng thời cho thấy các nghệ sĩ luôn trăn trở, sáng tạo, đổi mới để đưa nghệ thuật gắn liền với hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại”.

Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đánh giá cao sự tham gia của các đoàn quốc tế, trong đó có đoàn Singapore Raffles Music College, diễn viên đều là các sinh viên nghệ thuật đến từ Singapore và 3 sinh viên đang học Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, tham gia vở “The Painted Skin” phóng tác tiểu thuyết “Họa bì” nổi tiếng thời cổ đại. Đạo diễn của vở là Chua Soo Pong đã cho sinh viên của mình thể hiện tài năng ở nhiều thể loại kịch, múa, nhạc: “Lời thoại, múa, nhạc, lời hát... trong vở đều do chính các bạn sáng tác và biểu diễn. Khi dạy sinh viên và đưa các bạn đi biểu diễn, tôi kỳ vọng tài năng của các bạn sẽ vừa đáp ứng yếu tố nghệ thuật cho tác phẩm nhưng vừa đa năng trong sáng tạo nghệ thuật”.

Tại liên hoan, các đơn vị nghệ thuật đã phô diễn hàng loạt “phép thử”. Nổi bật là TP Hải Phòng tham dự 3 vở: Đoàn Kịch nói Hải Phòng vở “Đến bờ bên kia”, Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn vở “Tâm sự âm dương”; đặc biệt, vở rối “Lời thề” của Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng đã vượt xa cách dàn dựng quen thuộc của sân khấu múa rối khi phục dựng lại Lễ hội Minh Thề-Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã có từ lâu đời. Đây cũng là lần đầu tiên sân khấu thử nghiệm không sử dụng phông cảnh màn, mà hoàn toàn là màn hình led, mượn “chuyện xưa, tích cũ” để nói về công cuộc chống tiêu cực của xã hội đương thời. Những nghệ sĩ trẻ của Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An lại tâm huyết sáng tạo vở diễn “Truyền tích Nàng Thơm” có truyền tích về tình yêu đẹp, thủy chung của cô gái xinh đẹp, nết na tên Lúa và chàng nông dân chăm chỉ, thuần hậu quê Cần Đước. Mối tình lãng mạn, bi thương kết tinh thành “những hạt ngọc trời” được truyền tụng muôn đời qua đặc sản gạo Nàng Thơm-gạo đặc sản “tiến vua” Nàng Thơm chợ Đào, Long An. Nhiều vở diễn khác tuy kịch bản cũ nhưng đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã thổi vào làn gió mới khi kết hợp giữa các thủ pháp sân khấu truyền thống với hiện đại như “Ê Đip làm vua” (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội), “Hoa khôi dạy chồng” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam)...

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà: “Những người làm sân khấu đã thực sự được thưởng thức một bàn tiệc nghệ thuật bởi hai chữ thử nghiệm. Có thể khẳng định, dù ít, dù nhiều, vở diễn nào cũng mang yếu tố thử nghiệm. Đặc biệt, có những vở đã chinh phục chúng tôi hoàn toàn, từ kịch bản, hình thức thể hiện cho tới diễn xuất của diễn viên. Và tôi chắc chắn, thưởng thức những tác phẩm thành công ở liên hoan lần này, khán giả sẽ không thể thờ ơ với sân khấu”.

 
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã kết thúc bằng lễ bế mạc và trao giải diễn ra tối 26-11, tại Rạp Đại Nam, Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự. Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho vở diễn “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc; Huy chương Vàng cho 4 vở diễn: “Bản tình ca trên núi cao” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Thượng thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam) và “Đến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng); Huy chương Bạc cho 5 vở diễn; 28 Huy chương Vàng và 39 Huy chương Bạc cho diễn viên.

 

VƯƠNG HÀ