Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 19-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Ngày 19-11 còn diễn ra nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thǎm nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Việt Nam và Campuchia ký hiệp định thương mại chính thức đầu tiên, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh ký Hiệp ước Jay…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 19-11

Sự kiện trong nước

Ngày 19-11-1966, Cục Hậu cần (Binh chủng Thông tin liên lạc) được thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Hậu cần, có nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối, bảo đảm mọi cơ sở vật chất hậu cần, tài chính cho cơ quan các đơn vị trực thuộc Cục Thông tin Liên lạc.

Ngay sau khi thành lập, Cục Hậu cần đã được kiện toàn tổ chức, biên chế; kịp thời tổ chức khai thác, vận chuyển một khối lượng lớn cơ sở vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Cục Thông tin Liên lạc và sau đó là Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc.

leftcenterrightdel

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Vũ Văn Anh trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Hậu cần. Ảnh: Dương Lâm. 

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt đó, lực lượng Hậu cần của Binh chủng Thông tin Liên lạc đã dũng cảm, mưu trí, vươn sâu vào các chiến trường, xây dựng hệ thống kho tàng, đặt hàng, vận chuyển hàng vạn tấn vật chất kỹ thuật hậu cần; đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thông tin từ miền Bắc chi viện cho các chiến trường miền Nam.

Đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng các tuyến dây trần, các trạm tiếp sức xuyên Trường Sơn, góp phần bảo đảm thông tin liên lạc “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, góp phần vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: Dương Lâm 

Với những thành tích đã đạt được, Cục Hậu cần (Binh chủng Thông tin Liên lạc) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày 19-11-1958: Việt Nam và Campuchia ký hiệp định thương mại chính thức đầu tiên.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hải (thứ 4 từ phải sang) và các phi công trong phi đội chuyển sân tháng 5-1975, chụp ảnh tại Trung đoàn 935. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 19-11-1967: Lần đầu tiên không quân Việt Nam bắn rơi một máy bay EB 66 của Mỹ. Biên đội Mig 21 của phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đǎng Kính đã lập chiến công này.

EB 66 là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại, chức nǎng chính là gây nhiễu, làm giảm hiệu lực chiến đấu của các lực lượng phòng không và không quân của ta. EB 66 còn trinh sát, phát hiện tần số và vị trí các đài ra-đa, làm vô hiệu hoặc mục tiêu cho máy bay cường kích đánh phá hủy diệt.

leftcenterrightdel

Công trình Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn (Thanh Hoá) do Liên Xô viện trợ. Ảnh: Quang Duy 

Ngày 19-11-1984: Tiến hành lễ bàn giao công trình Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) do Liên Xô viện trợ toàn bộ trang thiết bị và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng. Đây là công trình lớn đầu tiên được hoàn thành kể từ khi hai nhà nước Việt Nam - Liên Xô ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị ngày 3-11-1978.

Sự kiện quốc tế

Ngày 19-11-1990: Các nhà lãnh đạo của NATO và khối VASAVA tuyên bố kết thúc chiến tranh lạnh thông qua việc ký kết Hiệp ước về các lực lượng thông thường và phá hủy các kho vũ khí trong chiến tranh lạnh.

Theo dấu chân Người

Ngày 19-11-1920: Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Pari.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/congan.com.vn.

Ngày 19-11-1942: Tại nơi giam giữ ở Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài “Trúc lộ phu” (Phu làm đường) nói lên tình cảnh của người tù. Theo bản dịch của Nam Trân:

“Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,

Phu đường vất vả lắm ai ơi!

Ngựa xe, hành khách thường qua lại,

Biết cảm ơn anh được mấy người?”...

Ngày 19-11-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và thỏa thuận với lãnh tụ của một số đảng phái khác nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết chống thực dân và ủng hộ đồng bào Nam Bộ.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu

Ngày 19-11-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị, khi bàn về các vấn đề tiếp nhận viện trợ của các nước bạn, Bác dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Riêng đối với Trung Quốc, nên xem những cái gì thật cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở và khôi phục kinh tế thì ta hãy xin. Còn những thứ không cần thiết như đồ dùng cho văn nghệ, sinh hoạt… thì ta tự sắm lấy...”.

Ngày 19-11-1960: Báo “Văn học Xô viết đăng bài báo của Bác: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L.N.Tônxtôi” với nội dung: “xin kể chuyện tôi trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào...".

leftcenterrightdel
Tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Liên Xô được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam hâm mộ và được Nhà xuất bản Văn học tái bản nhiều lần. Ảnh: Qdnd.vn

Ngày 19-11-1966: Báo “Nhân Dân” đăng “Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen”, nhà triết học người Anh và là người tổ chức Tòa án quốc tế, lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Trong đó, Bác viết: “Sự lên án đã có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc. Tòa án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ..., nhân dân Việt Nam đánh giá cao và hết lòng ủng hộ sáng kiến cao quý của Cụ...”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Quân đội ta là quân đội của nhân dân, cho nên nhân dân rất thương yêu quân đội... vì đồng bào muốn cho quân đội của mình gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà lại có thái độ nghiêm trang... Vậy rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn thận trong mọi cử chỉ, để cho thế giới đều thấy rằng “Quân đội Cụ Hồ có khác!” - Đây là lời dạy của Bác cho các chiến sĩ và cán bộ trong quân đội trích bài viết “Nhân Dân với Quân đội” đăng trên báo “Nhân Dân” ngày 19-11-1954.

leftcenterrightdel

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta vừa kết thúc (07-5-1954). Miền Bắc được giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến này, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu hết sức anh dũng trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ, đã lập được những chiến công rực rỡ, ghi vào lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc những trang sử oanh liệt nhất, được bạn bè quốc tế, quân đội và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới khâm phục, đánh giá cao.

Tuy nhiên, khi Bác nghe phản ánh về một số cán bộ, chiến sĩ ra đường không được chỉnh tề như đội mũ lệch, cúc áo không cài tử tế, cưỡi xe bình bịch lượn chơi phố, đánh “tú lơ khơ” ngoài đường để đồng bào nhầm tưởng là đánh bạc.

Bác cho rằng, những chú ý đó của đồng bào là đúng, vì đồng bào muốn quân đội của mình phải gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà cần phải có thái độ nghiêm trang, để cho thế giới đều thấy rằng “Quân đội Cụ Hồ có khác”.

Lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là sự nhắc nhở, chỉ bảo ân cần và sát sao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm túc trong sinh hoạt cũng như tác phong ăn mặc để xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân đã tin tưởng, yêu mến và trao tặng.

leftcenterrightdel

Bác Hồ với báo nhân dân. Ảnh tư liệu 

Lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, góp phần định hướng quan trọng trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ, quyết tâm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Quân đội ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần thường xuyên thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động của các cấp, các ngành...

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ vững tư thế, tác phong quân nhân; từ lời nói đến hành động phải thể hiện sự chân thành, khiêm tốn, yêu thương, kính trọng, lễ phép trước nhân dân, thật sự coi nhân dân là “cha mẹ” của quân đội.

Tuyệt đối không được sách nhiễu, gây phiền hà cho dân, không làm điều gì tổn hại đến tình cảm mật thiết và mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu như Bác Hồ thường căn dặn. Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện vi phạm kỷ luật trong quan hệ quân dân, phê phán các hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 19-11-1967: Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng thư khen các đơn vị dân quân gái xã P và T, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa của Bác Hồ. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)