Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước

Ngày 16-11-2021: Cục Hậu cần Quân khu 4 kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân khu 4 (16-11-1961/16-11-2021). Cách đây 60 năm, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển tổ chức Phòng Hậu cần ở Quân khu thành Cục Hậu cần Quân khu 4. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của ngành và ngày này hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Hậu cần Quân khu 4.

Trong suốt 60 năm qua. Là một bộ phận của lực lượng vũ trang Quân khu 4, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, ngành Hậu cần Quân khu 4 đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo đảm bảo phục vụ lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan trưng bày sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Hậu cần, ngày 4-4-1959. Ảnh tư liệu.
 

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, ngành Hậu cần Quân khu 4 đã làm tốt vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu, chỉ đạo, đảm bảo hậu cần cho lực lượng vũ trang Quân khu trong các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Qua các phong trào thi đua, cuộc vận động như: Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy - xanh -sạch - đẹp”,  “Xây dựng kho xăng dầu chính quy, an toàn, tiết kiệm”… đã trực tiếp xây dựng ngành Hậu cần Quân khu 4 không ngừng lớn mạnh, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Cục Hậu cần Quân khu 4 (16-11-1961/16-11-2016). Ảnh: Lê Thắng 

Với thành tích đạt được, Cục Hậu cần Quân khu 4 đã có 17 tập thể, 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục tập thể, hàng nghìn cá nhân được các cấp khen thưởng; năm 2018, Cục Hậu cần được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng Cờ thi đua; năm 2020, Cục Hậu cần Quân khu 4 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua.

Ngày 16-11-1925: Ngày sinh của nhà vǎn Nguyễn Thành Long. Ông sinh ra ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động vǎn nghệ trong Chi hội vǎn học kháng chiến Liên khu V. Trong khoảng hơn 10 tác phẩm của nhà vǎn Nguyễn Thành Long, bạn đọc yêu thích các truyện ký: Bát cơm cụ Hồ, Giữa trong xanh, Lý Sơn mùa tỏi, Lặng lẽ Sa Pa, Trời xanh mông mênh, Hạnh Nhơn, Núi Đỗ Quyên... Ông mất nǎm 1991 tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Thành Long. Ảnh tư liệu. 

Ngày 16-11-1989:  Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công đã ký lệnh công bố Pháp lệnh về đê điều. Mục đích của Pháp lệnh nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xây dựng, tu bổ, bảo vệ, sử dụng và hộ đê. Pháp lệnh có 6 chương với 34 điều.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh về đê điều. Ảnh tư liệu.
 

Sự kiện quốc tế 
Ngày 16-11-1965: Tàu vũ trụ không người lái Venus III của Nga được phóng và hạ cánh thành công lên sao Kim.

leftcenterrightdel
Trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp. Ảnh TTXVN. 

Ngày 16-11-1945: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) được thành lập. 

Theo dấu chân Người
Ngày 16-11-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề liên quan đến bầu cử, vấn đề khuyến nông và tư pháp. Bác đề nghị Chính phủ ra thông báo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dự ở đảng phái nào hay không đảng phái.

leftcenterrightdel
Người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5-1-1946. Ảnh tư liệu
 

 

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946). Ảnh tư liệu.
 

Ngày 16-11-1946: Bác họp báo trả lời những vấn đề thời sự. Về kết quả bầu cử tại nước Pháp, Bác khẳng định: “Dù là phái hữu thắng hay phái tả thắng, nhân dân Pháp bao giờ cùng vẫn như trước: Nghĩa là ủng hộ nền độc lập và thống nhất của Việt Nam... Còn dân Việt Nam, thì dù phái hữu thắng hay phái tả thắng trong cuộc tuyển cử ở Pháp, dân Việt Nam cũng phải đòi cho được độc lập và thống nhất, tuy vẫn ở trong Khối Liên hiệp Pháp”. Về chủ trương Liên bang Đông Dương do Pháp đưa ra, Bác trả lời: “để làm thành một cái gì gian trái, ràng buộc quyền tự do, quyền sinh hoạt của chúng tôi, nhất định không thể xong được. Bởi vì ai cũng muốn sống tự do. Và không ai nên tìm cách lừa bịp lẫn nhau”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ trả lời báo chí. Ảnh tư liệu. 

Ngày 16-11-1953: Báo “Nhân Dân” đăng bài thơ của Bác có nhan đề: “Kế hoạch Nava, đầu voi đuôi chó” biểu dương quân và dân Ninh Bình, Thanh Hóa chống càn thắng lợi và nhắc nhở: Quân dân ta anh dũng/Đánh cho giặc phải tan/Đuổi chúng khỏi Nho Quan/Ngăn chúng vào Thanh Hóa/20 ngày ròng rã/Diệt chúng gần bốn ngàn/Kế hoạch Nava tan/Thành đầu voi đuôi chó/Tuy vậy/Kẻ thù đang còn đó/Chó dại sẽ cắn càn/Chúng ta chớ chủ quan/Chúng ta chớ khinh địch/Giặc có thể đột kích/Chúng ta phải đề phòng/Quân dân đoàn kết một lòng/Kháng chiến thắng lợi, cờ hồng tung bay”.

Ngày 16-11-1954: Dự họp Bộ Chính trị bàn về thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, Bác gợi ý về phương châm đấu tranh: “Cần huy động các đoàn thể nhân dân, kể cả những người công giáo tiến bộ ở Pháp... Đấu tranh phải có sự kết hợp giữa quần chúng và các đoàn thể. Đấu tranh phải liên tục, phải có mục tiêu cụ thể. Đấu tranh phải có hợp tác, trong hợp tác có phân công phù hợp với từng ngành, từng người”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày 16-11-1959. Ảnh: hochiminh.vn.
 

Ngày 16-11-1959: Phát biểu tại Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về quy hoạch thành phố Hà Nội, Bác căn dặn: “trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ” và “lưu ý đặc biệt đến sự trợ giúp của các nước anh em”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa và động viên 3 nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh (tháng 9-1968). Ảnh tư liệu.
 

Ngày 16-11-1967: Bác gửi thư khen và tặng huy hiệu cho các chiến sĩ thuộc Trung đội nữ dân quân xã Vũ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã bắn rơi tại chỗ một máy bay phản lực Mỹ.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong đó, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quân dân luôn được Người quan tâm đặc biệt, thường xuyên nhắc nhở, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Ngày 16-11-1946: Tham dự lễ khai mạc “Xung phong Mùa Đông binh sĩ”, Bác đã phát biểu: “Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến. Trong lúc ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, thì ở tiền phương, các binh sĩ đang phải chịu rét mướt. Vậy nên toàn quốc đồng bào ai cũng có bổn phận góp phần vào cuộc vận động mùa Đông binh sĩ. Một nước mà toàn thể đồng bào đoàn kết như thế, không một sức mạnh nào có thể thắng được và nhất định chúng ta phải được độc lập và thống nhất”.  Bác đã hiến hai chiếc áo của mình để gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu 

Tình cảm và lời căn dặn của Người ngắn gọn nhưng sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của nhân dân đối với quân đội, quân đội với nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược, giành độc lập, mối quan hệ đoàn kết quân dân thực sự là nguồn sức mạnh vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, sát cánh chiến đấu, Quân đội luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang cách mạng, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

leftcenterrightdel
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với bộ đội. Ảnh tư liệu. 

Ngày nay, đất nước hòa bình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đất nước đang đứng trước thời cơ mới và cả những thách thức mới; đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó chúng tập trung chống phá mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân. Tình hình đó, đòi hỏi Quân đội ta phải tập trung xây dựng nâng cao sức mạnh tổng hợp, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đánh thắng mọi kiểu loại chiến tranh xâm lược. 

leftcenterrightdel
Sáng mãi tinh thần "Quân với dân như cá với nước". Ảnh qdnd.vn và TTXVN. 

Quân đội ta cần tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa đơn vị quân đội với địa phương; tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội…góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm thắm đượm thêm tình đoàn kết quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Quân đội cần  tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương; là lực lượng chủ lực trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của đất nước, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Dấu ấn về Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày này năm 1966, trên trang nhất, Báo Quân đội nhân dân số 1987  đã đăng bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh vì thành tích bắn rơi tại chỗ 6 máy bay Mỹ, bắt sống giặc Mỹ lái máy bay. Đồng thời, Vĩnh Linh còn thu được nhiều thắng lợi về sản xuất, về giao thông vận tải, về phòng không nhân dân và bảo vệ trật tự trị an.

leftcenterrightdel
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 16-11-1966. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2688 ngày 16-11-1968  đã đăng loạt bài về “Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch” quân và dân ta trên hai miền Nam Bắc sôi nỗi thi đua lập các chiến công vang dội.

leftcenterrightdel
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 16-11-1968.
leftcenterrightdel
 

HUY ĐÔNG (tổng hợp)