Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Ngày 14-11 còn diễn ra nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Việt Nam, Peru và Nga trở thành thành viên chính thức của APEC tại cuộc gặp các bộ trưởng của APEC ở Kualar Lumpur, Khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam…

 Ngày 14-11-1945 là Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ảnh: Thoibaotaichinhvietnam.vn

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-11

Sự kiện trong nước

Cách đây 76 năm (14-11-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Năm 1995, Bộ Canh nông đã đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 18 tháng 06 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.

Đồng chí Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên. Ảnh tư liệu.

Việc lấy ngày 14-11 là Ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kháng chiến giành độc lập đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; đặc biệt là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đây cũng là dấu mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhiều thế hệ đã góp sức xây dựng và phát triển ngành; đồng thời, khuyến khích, động viên và tạo phong trào thi đua trong toàn ngành để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

 Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. Ảnh: Baotanglichsu.vn

Ngày 14-11-1953: Khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam. Gần 200 đại biểu trong cả nước đã về dự. Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Ngày 14-11-1965: Trận Ia Đrăng, một trong những trận đánh lớn đầu tiên giữa Quân đội Hoa Kỳ và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Trận Ia Đrăng, trận vận động tiến công của 2 trung đoàn 66 và 33, chặn đánh các đơn vị của Lữ đoàn 3 (Sư đoàn Kị binh bay 1) của Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), trận đánh then chốt quyết định trong Chiến dịch Plei Me (19-10/26-11-1965), việc tiêu diệt số lượng lớn quân Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Về chiến lược, bước đầu làm thất bại ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của Mỹ, đem lại niềm tin quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Về chiến dịch và chiến thuật, Quân giải phóng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm tác chiến với quân Mỹ: xây dựng quyết tâm chiến đấu, liên tục nắm chắc địch, chuẩn bị nhanh, bí mật, bất ngờ, thọc sâu, chia cắt, đánh gần; là cơ sở và tiền đề phát triển chiến thuật, cách đánh và chiến thuật tác chiến.

 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC. Ảnh: TTXVN

Ngày 14-11-1998: Tại cuộc gặp bộ trưởng của APEC ở Kualar Lumpur, Việt Nam, Peru và Nga trở thành thành viên chính thức của APEC.  Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến mới thuộc ba trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hơn nữa, Việt Nam cùng với APEC thảo luận, hợp tác nhằm tìm ra những phương hướng giải quyết một cách tối ưu các vấn đề về kinh tế, chính trị nổi cộm của khu vực và thế giới.

Nhìn lại những năm qua, chúng ta thấy quyết định tham gia APEC là sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. APEC đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. Việc tổ chức thành công APEC năm 2006 và năm 2017 là đỉnh cao, làm cho Việt Nam được nhìn nhận không chỉ ở tầm khu vực, mà đã chủ trì những sự kiện, giải quyết những vấn đề ở tầm liên khu vực với quy mô và tính chất phức tạp hơn nhiều.

 Sự kiện quốc tế

Ngày 14-11-1941: Tàu sân bay HMS Ark Royal bị chìm, sau khi trúng ngư lôi của tàu ngầm Đức.

 Tàu sân bay HMS Ark Royal trước khi bị chìm. Ảnh: Dailymail

Ngày 14-11-2003: Ba nhà thiên văn học Michael E. Brown, Chad Trujillo và David L. Rabinowitz phát hiện ra thiên thể 90377 Sedna.

Theo dấu chân Người

Ngày 14-11-1942, tại nhà ngục Nam Ninh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ chữ Hán có nhan đề: “Việt hữu tao động” (Việt Nam có bạo động) gửi gắm ý chí của một nhà cách mạng đang bị hãm trong tù. Nội dung bài thơ dịch:

“Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,

Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền,

Xót mình giam hãm trong tù ngục,

Chưa được xông ra giữa trận tiền” .

 Bài viết “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu quốc ra ngày 14-11-1945. Ảnh tư liệu

Ngày 14-11-1945, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Nhân tài và Kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời kêu gọi: “Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc... Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều... Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.

 Bác Hồ với báo Nhân Dân. Ảnh tư liệu

Ngày 14 và 15-11-1965, báo “Nhân Dân” đăng bài viết “Nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Sau khi trích giới thiệu nhiều bài báo ở Nhật Bản lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Bác viết: “tôi xin phép thay mặt đồng bào ta cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và dư luận nước Nhật Bản đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta... Nhân dân ta từ Nam đến Bắc đoàn kết một lòng, kiên quyết chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta lại được nhân dân và dư luận thế giới - trong đó có nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ và đồng tình... Cho nên giặc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân ta nhất định sẽ thắng”.

Ngày 14-11-1966, dự họp Bộ Chính trị thảo luận một số vấn đề quân sự và ngoại giao, Bác lưu ý: “khi tuyên bố công khai về chủ trương vừa đánh vừa đàm, phải chú ý đến quan hệ của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc”.

 Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh tư liệu

Ngày 14-11-1968, Bác tiếp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trước khi lên đường sang Paris dự cuộc đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Những ai đã lầm đường mà nay hối cải thì sẽ được khoan thứ". Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công điện số 508/D ngày 14 tháng 11 năm 1950: “Điện gửi đồng bào Sơn Hà”.

Ngay khi nhận được tin có số ít đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bị giặc Pháp lợi dụng những sai lầm của một số cán bộ địa phương đã kích động, xúi giục, gây bè cánh chống lại chính quyền, làm rối loạn trị an, gây mất đoàn kết nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Công điện để trấn an và động viên đồng bào và Bác đã nói rõ quan điểm, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với những người lầm đường, lạc lối theo địch, chống phá cách mạng nhưng đã giác ngộ và quay về với cách mạng thì đều được chính quyền xem xét, khoan thứ.

 

Chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, khuyến khích những người lầm đường, lạc lối hối cải, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.

Thấu triệt tư tưởng nhân đạo, khoan dung của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chấp hành nghiêm chính sách nhân đạo đối với tù hàng binh trong chiến tranh, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo, khoan dung của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với địch, dù họ là kẻ đi xâm lược, giết hại, cướp bóc đồng bào ta, nhưng khi bị bắt vẫn được bộ đội ta đối xử thấu tình, đạt lý để họ cải tà, quy chính, thức tỉnh lương tri, trở về với gia đình, với Tổ quốc, đã làm giảm đi nhiều những nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh gây ra, nhất là làm giảm nỗi hận thù giữa hai dân tộc, quốc gia đối địch trong chiến tranh.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 14-11-1960, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng Sắc lệnh của Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh huân chương Lênin. Đăng thư khen dân quân gái xã H, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bắn rơi máy bay Mỹ. Đăng nội dung bức Điện của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô gửi đồng chí Hồ Chí Minh và nội dung bức Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô.

 
 

ĐẶNG CƯỜNG (tổng hợp)